4 quy tắc ai cũng nên biết để tránh ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể gây nôn mửa, co thắt dạ dày… nghiêm trọng hơn có thể làm tổn thương hệ miễn dịch, thậm chí tử vong. Sau đây là các quy tắc về an toàn thực phẩm mà chuyên gia khuyến nghị ai cũng nên biết để phòng tránh.
1. Bàn tay sạch là chìa khóa đảm bảo an toàn
Trả lời tờ Living In The News, ông Archie Magoulas – chuyên gia an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết rửa sạch tay trước khi bắt đầu nấu ăn là chìa khóa quan trọng để đảm bảo an toàn. tránh bị ngộ độc thực phẩm.
“Mọi người nên rửa tay bằng nước và xà phòng trong 20 giây và rửa lại một lần nữa trong và sau khi nấu ăn. Hãy nhớ rằng, bàn tay là công cụ chính để nấu nướng vì vậy bạn cần giữ cho chúng sạch sẽ”, chuyên gia nói rõ.
Cùng khuyến nghị này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) cho biết việc rửa tay lại đặc biệt quan trọng, nhất là sau khi xử lý các thực phẩm như thịt, hải sản sống hoặc trứng, bởi chúng chứa khá nhiều vi trùng, có thể lây nhiễm sang các dụng cụ hoặc thực phẩm đã được làm sạch khác.
2. Cảnh giác với nhiễm khuẩn chéo
Cùng chia sẻ trên tờ Living In The News, tiến sĩ Abby Snyder – đang làm việc tại khoa Nông nghiệp và khoa học đời sống thuộc Đại học Cornell (Mỹ), cho biết một quy tắc an toàn cơ bản khác là tách biệt thực phẩm sống và chín.
“Điều này rất quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, tức là tình trạng mầm bệnh truyền từ bề mặt ô nhiễm sang bề mặt sạch. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị cá hồi sống trên thớt rồi dùng nó để cắt rau diếp, vi trùng sẽ lan từ cá sang rau. Và sẽ là vấn đề khi bạn dùng rau diếp để ăn sống”, chuyên gia Snyder giải thích.
Ngoài ra, mọi người cũng cần nhớ áp dụng quy tắc này khi trữ thực phẩm trong tủ lạnh. Cần tách biệt thịt, hải sản sống và trứng với các thực phẩm đã nấu chín hay định dùng trực tiếp như rau hoặc trái cây.
3. Chú ý nhiệt độ nấu
Nấu thực phẩm với nhiệt độ phù hợp sẽ giúp nó chín đủ để tiêu diệt các mầm bệnh tiềm ẩn. Bạn có thể tham khảo nhiệt độ chín của một số thực phẩm phổ biến theo khuyến nghị của USDA.
– Thịt bò, lợn, cừu và bê sống (ở dạng bít tết hoặc cắt nhỏ) phải đạt đến nhiệt độ bên trong ít nhất là khoảng 63 độ C trước khi lấy ra khỏi nguồn nhiệt (chảo, lò).
– Thịt gà sống nên được nấu chín đến nhiệt độ bên trong ít nhất khoảng 74 độ C.
4. Trữ thức ăn thừa đúng cách
Theo chuyên gia Magoulas, để thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại (phổ biến như Salmonella và E.coli ) sinh sôi và gây ngộ độc. Vùng nhiệt độ từ 8-60 độ C là không an toàn để bảo quản thức ăn, khiến vi khuẩn có thể nhanh chóng nhân lên và nhân đôi số lượng chỉ sau 20 phút.
Do đó, cách tốt nhất là để bảo quản thức ăn thừa là cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu. Nên đặt chúng trong hộp bảo quản kín khí và không nên ăn bất kỳ loại thức ăn dễ hỏng nào nếu bạn đã để chúng bên ngoài quá 2 giờ.
Theo: thanhnien.vn
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet