6 cách giúp giảm mỡ trong gan dịp Tết

Tránh uống rượu bia, hạn chế đồ ngọt, không ăn thực phẩm giàu cholesterol... giúp giảm mỡ trong gan vào dịp Tết.

Tình trạng mỡ hay chất béo dư thừa tích tụ lại trong tế bào gan, làm giảm chức năng gan, có thể gây ra gan nhiễm mỡ. Ở giai đoạn đầu, bệnh không bộc lộ triệu chứng nên hầu hết tình cờ phát hiện khi khám bệnh trên siêu âm gan. Nếu không được điều trị, gan nhiễm mỡ có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, chế độ ăn uống và lối sống, sinh hoạt có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng bệnh. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh gan nhiễm mỡ. Các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm ảnh hưởng triệu chứng của bệnh đến sinh hoạt hằng ngày, ngăn không cho bệnh tiến triển nặng.

Dưới đây là 6 cách giúp giảm lượng mỡ trong gan vào dịp Tết theo gợi ý của Tiến sĩ Khanh.

Hạn chế rượu bia

Rượu là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Vì vậy, người bệnh không nên uống rượu bia quá nhiều vào dịp Tết để tránh trường hợp bệnh chuyển nặng. Khi uống rượu, cồn được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày, ruột. Chỉ 10% lượng cồn được đào thải qua hơi thở, mồ hôi, bài tiết nước tiểu, còn lại 90% đi qua gan.

Lúc này, cồn và các độc tố khác từ rượu bia sẽ kích hoạt tế bào Kupffer trong các xoang gan, làm phóng thích các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin…, gây tổn thương và chết tế bào gan, khiến chức năng thải độc của gan bị suy giảm. Trong đó TNF-α là yếu tố chính gây mỡ hóa tế bào gan và Interleukin-8 làm tăng hoạt hóa bạch cầu đa nhân trung tính, dẫn đến viêm gan nhiễm mỡ.

Theo Tiến sĩ Khanh, cồn còn làm gián đoạn quá trình oxy hóa axit béo ngoài gan, hạn chế quá trình tổng hợp lipoprotein; đồng thời làm tăng huy động mỡ từ các mô dự trữ, tăng tạo triglyceride, giảm ly giải chất béo, gây mỡ hóa tế bào gan.

Hạn chế đồ ngọt

Ăn nhiều đồ ngọt có thể gây thừa cân, béo phì, tiểu đường type 2 – yếu tố nguy cơ dẫn đến gan nhiễm mỡ. Ở người thừa cân, béo phì, lượng calo quá cao không được chuyển hóa hết thành năng lượng sẽ bị tích trữ dưới dạng mỡ béo triglyceride. Hàm lượng triglyceride dư thừa cơ thể không thể hấp thụ hết sẽ tích tụ trong gan, khiến gan nhiễm mỡ. Theo nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) đăng trên Thư viện y khoa Mỹ, hơn 70% người mắc bệnh tiểu đường type 2 có gan nhiễm mỡ.

Thừa cân, ít vận động, chế độ ăn giàu đường và chất béo đều thúc đẩy kháng insulin. Tình trạng này xảy ra làm ngăn chặn glucose xâm nhập vào tế bào, khiến nó tích tụ trong máu. Lúc này, để giảm đường trong máu, tuyến tụy tiếp tục sản xuất và tiết ra nhiều insulin hơn. Nồng độ insulin trong máu cao làm tăng chất béo trung tính, lắng đọng axit béo trong gan.

Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường khi hạ đường huyết, acxit béo tự do sẽ được tăng điều động từ mô mỡ vào máu, đồng thời gan chuyển hóa axit béo tự do thành triglyceride, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Người có lượng đường trong máu cao hoặc kháng insulin nên tránh ăn đồ ngọt và các loại hoa quả có hàm lượng đường fructose cao. Thay bằng các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi… giúp giảm gánh nặng cho gan, cải thiện hoặc hạn chế nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Các loại gia vị cay nóng cũng làm suy giảm chức năng gan, khiến cơ quan này không thể bài tiết chất béo nên cần hạn chế sử dụng.

Không ăn thực phẩm giàu cholesterol

Để giảm mỡ trong gan, người bệnh cần tránh các thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa như thịt đỏ, pho mát, thực phẩm chiên rán, phủ tạng động vật… Thay vào đó, bạn nên lựa chọn các sản phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn có trong dầu ôliu, quả bơ, các loại hạt (hướng dương, óc chó, đậu nành…) hoặc chất béo không bão hòa đa như axit béo omega-3 trong dầu cá và các loại cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… giúp giảm mỡ gan.

Tránh các chất béo bão hòa, tăng cường rau xanh và các loại quả mọng giúp giảm mỡ gan. Ảnh: Freepik
Tránh các chất béo bão hòa, tăng cường rau xanh và các loại quả mọng giúp giảm mỡ gan. Ảnh: Freepik

Ăn ít carbohydrate

Nếu ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate như cơm trắng, khoai tây, bánh mì, mì tôm… khiến cơ thể chuyển hóa carbohydrate dư thừa thành chất béo. Nếu chất béo lắng đọng lâu ngày trong gan sẽ gây gan nhiễm mỡ. Bạn nên thay thế bằng các loại gạo lứt, các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Tiến sĩ Khanh dẫn theo nghiên cứu nhỏ của Phần Lan đăng trên Thư viện y khoa Mỹ cho thấy, những người thừa cân ăn nhiều tinh bột trong ba tuần tăng 27% mỡ gan, mặc dù cân nặng của họ chỉ tăng 2%. Những bệnh nhân tương tự sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng hạn chế carbohydrate trong ba tuần và có thể giảm 4% trọng lượng cơ thể và 25% mỡ gan.

Bổ sung đủ protein

Cung cấp đủ protein (chất đạm) mỗi ngày không chỉ giúp đảm bảo nguồn năng lượng, cân bằng lượng đường trong máu mà còn duy trì chức năng gan, cung cấp nguyên liệu giúp gan tái tạo các tế bào bị tổn thương.

Theo Tiến sĩ Khanh, người gầy và người ăn chay vẫn có thể bị gan nhiễm mỡ nên cần kết hợp đa dạng các nhóm dưỡng chất cần thiết (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) với tỷ lệ cân đối. Trong đó, lượng protein cần thiết là khoảng 1,2-1,5 g trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Năng vận động, duy trì rèn luyện thể dục thể thao; ăn nhiều chất xơ cũng là cách giảm mỡ cho cơ quan này.

Theo: Trịnh Mai (nguồn: VNExpress)

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

0903 65 7276