GS.BS Nguyễn Chấn Hùng: “Bệnh ung thư tăng do chúng ta chưa có chiến lược về sức khỏe“
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới khi đề cập đến nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc ung thư ở Việt Nam ngày một tăng.
Theo giáo sư Hùng, sở dĩ hiện nay nhiều người dân đã biết nguyên nhân gây ung thư, biết được cách phòng ngừa nhưng số người mắc ung thư vẫn tăng hàng năm một phần là do nhà nước chưa đầu tư cho chiến lược sức khỏe, trong đó có ung thư.
Lâu nay ngành y tế chỉ làm vá víu, chưa đầu tư một chiến lược lớn về sức khỏe như: nhân sự, trang thiết bị… Hiện nay phần lớn các bác sĩ đi học ở nước ngoài đều nhờ các tổ chức giúp đỡ nhận đi học 6 tháng hay 1 năm, chứ Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư kinh phí của Nhà nước để cho các bác sĩ này đi học 3 năm hay 5 năm ở nước ngoài.
“Thực tế các bác sĩ của chúng ta chỉ được đào tạo ngắn hạn nhưng đã cố gắng sử dụng những trang thiết bị hiện đại để phục vụ khám chữa bệnh là một điều rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, những bác sĩ này không được nhà nước đầu tư có kế hoạch. Tất cả chỉ nhờ hoàn cảnh nào đó phát triển lên. Trong khi đó, bệnh viện thì chật chội, bệnh nhân đông đúc. Ngay như Bệnh viện Ung Bướu TP với diện tích đất đai bao nhiêu đó, muốn phát triển cũng không thể. Máy móc ở đây cũng thiếu, không đủ để khám, bệnh nhân phải chờ đợi làm sao có thể điều trị tốt. Tất cả đều chỉ là vá víu, không có chiến lược nào cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân nói chung và căn bệnh ung thư nói riêng”, GS Hùng nói.
Vậy còn nguyên nhân nào khác nữa không, thưa giáo sư?
Biết nguyên nhân nhưng dính đến con người và xã hội nên sẽ không đơn giản chút nào. Chẳng hạn thuốc lá, nhiều người cũng đã biết được trong thuốc lá có đến 60 chất gây ung thư mạnh nhưng nhà nước vẫn cho bày bán. Nhà nước chỉ có tịch thu xử phạt thuốc lá lậu, còn thuốc lá không lậu vẫn bày bán bình thường. Mấy năm trước có vụ “tương đen” chứa 3-MCPD, dư luận lên án dữ dội, vì cho rằng loại nước tương này gây ung thư, nguy hiểm đến tính mạng nên đã bị thu hồi, tiêu hủy. Trong khi đó, thuốc lá có đến 60 chất ung thư mạnh, nếu nói còn hơn cả “nước tương đen” này, nhưng có thấy dư luận, truyền thông lên án mạnh, có bị nhà nước có thu hồi, tiêu hủy đâu.
Ngay cả chúng ta quy định cấm hút thuốc lá ở một số nơi cũng chỉ là lý thuyết, chứ có ai thực hiện đâu, mọi việc cứ diễn ra. Người dân hút thuốc lá vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Uống nước ngọt dễ gây béo phì, tăng nguy cơ ung thư nhưng chúng ta vẫn cứ quảng cáo rầm rộ trên truyền hình, người dân cứ thấy thế mà dùng.
Bây giờ nhiều người có thói quen sử dụng thức ăn nhanh (fast food). Nhưng đâu hiểu rằng, thức ăn nhanh dễ gây béo phì, tăng nguy cơ ung thư. Bên cạnh đó, trong thức ăn nhanh có khá nhiều gia vị mặn là một trong những tác nhân gây ung thư. Chính cựu tổng thống Mỹ George H.W. Bush cũng thừa nhận rằng, ẩm thực của người dân Mỹ là một sai lầm.
Thực tế người dân vẫn chưa hiểu hết những tác nhân gây ung thư xung quanh mình.
Vậy theo giáo sư, từ những thực tế trên chúng ta phải làm gì để có thể hạn chế được căn bệnh ung thư xâm nhập vào người dân?
Vấn đề là bắt đầu từ Nhà nước. Nhưng hiện nay Nhà nước đang gần như không kham nổi, chỉ có vấn đề an toàn thực phẩm mà còn làm chưa làm xuể thì sức đâu để giải quyết sâu hơn như vấn đề ung thư. Do đó để thực hiện điều này là điều không dễ gì.
Nói như thế có nghĩa là chúng ta đang bế tắc, thưa giáo sư ?
Không phải bế tắc. Đó chỉ là những khó khăn.
Vấn đề quan trọng lúc này, mỗi người phải tự lo cho sức khỏe của mình. Phải thay đổi nếp sống, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành lại, đừng ăn những “món ngon vật lạ” không tốt cho sức khỏe. Tuyệt đối không ăn thức ăn quá béo, thức ăn quá nóng hay quá mặn. Nhiều người ăn mặn rất kinh khủng, mà ăn mặn thì ăn nhiều nước mắm, muối dễ tăng nguy cơ ung thư.
Vì thế bây giờ chúng ta chỉ có thể giáo dục cho người dân ý thức để tự lo sức khỏe cho mình.
Chúng ta phải nhớ một điều rằng: “Ai ơi, thuốc quý trời cho/ ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui. Chỉ cần làm như thế đã có thể phòng ngừa được bệnh ung thư. Hơn nữa: “ung thư biết sớm trị lành/ nếu mà để trễ dễ thành nan y. Vì vậy phải chú tâm vào để phát hiện bệnh sớm.
Làm sao để phát hiện bệnh sớm? Phụ nữ trên 30 tuổi, có con phải khám phụ khoa định kỳ; người hút thuốc lá nhiều phải kiểm tra, tầm soát ung thư; người viêm gan phải trị, chứ không coi chừng bị ung thư.
Ngày nay phương tiện chẩn đoán hình ảnh của chúng ta hiện đại, đã có: CT, MRI. SPECT/CT.. giúp thầy thuốc như có “mắt thần” có thể phát hiện sớm căn bệnh ung thư để chữa trị thành công.
Với một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực ung thư và từng là lãnh đạo của một bệnh viện chuyên về ung thư, giáo sư thấy điều gì còn thiếu trong công tác phòng chống ung thư hiện nay?
Điều còn thiếu của chúng ta hiện nay là một chiến lược về sức khỏe, trong đó có phòng chống ung thư. Do đó chúng ta phải tập trung giải quyết cho được điều này.
Chúng ta thiếu cơ sở, thiếu phương tiện điều trị nhà nước phải chịu, chứ không thể nói bệnh nhân quá đông, ngành y tế đã cố gắng choài đạp. Chuyện này là chuyện của Nhà nước, Nhà nước phải có trách nhiệm.
Cám ơn giáo sư!
Theo motthegioi.vn
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet