Kỳ tích làm mẹ của người phụ nữ ung thư
Hai lần mang thai đều bị sảy vào tuần thứ 8 và tuần 13 vì mắc bệnh Basedow, chị Mai 31 tuổi, đặt hy vọng được làm mẹ vào lần bầu thứ ba.
Lần này, kiểm soát Basedow và đái tháo đường thai kỳ bằng thuốc kháng giáp trạng cùng với tiêm insulin, chị mang thai 25 tuần đầu ổn định. Đến tuần thứ 26, chị bị đau thượng vị, đến Bệnh viện Bạch Mai khám.
Bác sĩ siêu âm phát hiện chị có một khối u lớn ở tuyến thượng thận bên trái. Khối u này dẫn đến ba nguy cơ lớn. Một là u ác tính, hai là u tiết ra các nội tiết tố gây tăng huyết áp nặng, cuối cùng là u to có thể chèn ép gây sảy thai hoặc đẻ non. Với ba nguy cơ đó, bác sĩ yêu cầu chị Mai nhập viện để theo dõi, điều trị.
Hoàn cảnh có nhiều bệnh nền, đã ba lần mang thai mà chưa một lần làm mẹ, chị Mai khao khát được giữ con. Làm thế nào để khống chế khối u, kiểm soát huyết áp, bệnh Basedow và đái tháo đường, không làm ảnh hưởng đến thai kỳ là một bài toán lớn đối với các bác sĩ Khoa Nội tiết và Đái tháo đường.
Chị Mai sau đó được bác sĩ chỉ định làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá các bệnh lý nội tiết. Trong quá trình này, bác sĩ lại phát hiện chị bị ung thư tuyến giáp. Vậy là bài toán khó chưa có lời giải thì giờ lại càng thêm phức tạp.
Ngày 28/12, TS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết, cho biết các bác sĩ đã hội chẩn cùng chuyên gia của hơn 10 khoa để trả lời cho các câu hỏi với trường hợp chị Mai, như khối u thượng thận và ung thư tuyến giáp có thể chỉ định phẫu thuật không, làm thế nào để giữ thai an toàn…
“Sau cân nhắc, các bác sĩ quyết định tiếp tục điều trị nội khoa, theo dõi sát để giữ thai, sẵn sàng xử trí mọi tình huống khẩn cấp cho người bệnh”, bác sĩ Bảy nói.
Để đề phòng nguy cơ sinh non, bác sĩ chỉ định tiêm thuốc trưởng thành phổi thai nhi nhưng loại thuốc corticoid này lại có thể làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp và tăng đường huyết. Các bác sĩ đã phải theo dõi sát đường huyết và chỉnh liều insulin liên tục cho bệnh nhân. Sau một tháng điều trị, chị Mai đã được tiêm thuốc và kiểm soát được các bệnh nền.
Đến tuần thai 33, chị Mai có những cơn co tử cung, dọa đẻ non, các bác sĩ cố gắng kéo dài thêm thời gian được thêm ngày nào hay ngày đó. Một tuần sau, khi thai được 34 tuần và siêu âm đạt 2,6 kg, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Em bé chào đời khỏe mạnh.
Bác sĩ Bùi Phương Thảo, người trực tiếp điều trị cho chị Mai, đánh giá đây là thành công lớn, “một kỳ tích may mắn mẹ tròn con vuông”, vì người bệnh có tiền sử sản khoa nặng nề, lại có đến 5-6 bệnh khác nhau.
Mới đây, khi em bé được 3 tháng tuổi, chị Mai trở lại Bệnh viện Bạch Mai để giải quyết khối u tuyến thượng thận và khối ung thư tuyến giáp. Nhờ có sự phối hợp liên khoa, bệnh nhân được bác sĩ mổ cả hai khối u trong một ca phẫu thuật, kết quả thành công.
Lê Nga (Nguồn: VNExpress)
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại…
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
- Biểu hiện của viêm tuyến giáp 15/11/2024
There are no comments yet