Thực phẩm khiến bệnh gout tăng nặng sau Tết
Các loại thực phẩm có mức axit uric cao như thịt đỏ, hải sản, rượu, bia… có thể khiến bệnh gout nặng sau Tết.
Bệnh gout là một dạng viêm khớp, kết quả của sự dư thừa axit uric, một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phân hủy một số chất trong thực phẩm gọi là purin trong máu. Ở những người bệnh gout, axit uric kết tinh trong các khớp gây ra cơn đau ở phần cơ thể bị ảnh hưởng. Ban đầu thường là đau ở ngón chân cái, nhưng các khớp như mắt cá chân, bàn chân hoặc đầu gối cũng có thể dễ bị tổn thương.
Khi bệnh khởi phát, người bệnh thường sẽ thấy ngón chân cái, đầu gối, mắt cá chân bắt đầu đau nhói vào lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, bước ra khỏi giường, bàn chân bị đỏ, nóng, sưng lên và người bệnh khó khăn trong việc đi lại.
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với người bệnh gout, đặc biệt là vào thời điểm nhiều tiệc tùng như đầu năm mới. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Ngọc – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, điều quan trọng đối với những người mắc bệnh gout là phải nhận thức những rủi ro liên quan đến món ăn cụ thể. Các đợt bùng phát bệnh gout thường tăng cao vào những thời điểm người bệnh có xu hướng ăn uống quá thoải mái, không kiêng khem phù hợp.
Khi gặp gỡ lại đồng nghiệp, bạn bè sau lễ Tết, người bị bệnh gout cần tránh các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purin cao trong buổi tiệc tân niên dưới đây.
Thịt đỏ, thịt gà: Thịt thường là món chính trong các bữa ăn. Tuy nhiên, bạn nên tránh các loại thịt đỏ, thịt gà (kể cả nước thịt) vì chúng thường có chứa purin cao. Điều này không có nghĩa là người bệnh gout cần phải tránh ăn thịt gà, thịt đỏ hoàn toàn, nhưng nên hạn chế khẩu phần ăn. Ngoài ra, giăm bông cũng chứa một lượng purin đáng kể. Những thực phẩm này thậm chí có thể trở nên nguy hiểm hơn khi được tiêu thụ với số lượng lớn.
Hải sản: Cá cơm, cá mòi, cá trích, cá ngừ, cá tuyết, cá hồi, sò điệp, trai… thường có hàm lượng purin cao. Hầu hết các loài động vật có vỏ đều có hàm lượng purin cao đến trung bình. Vì vậy, người bệnh cố gắng hạn chế ăn quá nhiều trong các buổi tiệc, chỉ nên ăn ít dưới 100 g để ngăn ngừa gout khởi phát.
Các loại thức uống: Rượu, bia và nước ngọt có gas có liên quan đến cơn gout cấp. Axit uric trong máu tăng lên khi uống các loại thức uống này có thể kích hoạt triệu chứng của bệnh gout. Thay vì dùng bia rượu, bạn nên tăng lượng nước lọc giúp giảm tác dụng phụ của rượu, tăng bài tiết axit uric, giảm khả năng kết tinh axit uric trong thận, các mô mềm.
Bác sĩ Mai Ngọc cho biết thêm, ngũ cốc, trái cây và rau sẽ tốt cho sức khỏe và bệnh gout hơn. Người bệnh nên tăng cường thực phẩm này đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ về các món ăn và hàm lượng phù hợp.
Các loại sữa ít chất béo, cà phê và vitamin C giúp giảm mức axit uric và nguy cơ mắc bệnh gout. Vitamin C là một chất chống oxy hóa nổi tiếng, có vai trò tiềm năng trong phòng ngừa, điều trị bệnh gout, giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây có múi như cam, chanh và bưởi, anh đào, rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, dâu tây, ớt ngọt, cà chua…
Ngoài ra, các bữa ăn sau Tết của người bệnh gout cũng cần hạn chế natri (muối), cholesterol, chất béo và nội tạng động vật giàu purin.
Theo: Minh Anh (Nguồn: VNExpress)
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet