12 bệnh thường gặp đi kèm với tiểu đường
Tiểu đường có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng khác như bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, suy thận, mất thị lực, mất trí nhớ…
Tiểu đường là bệnh mạn tính, đặc trưng bởi đường huyết cao, có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác. Dưới đây là 12 bệnh mà người tiểu đường có nguy cơ gặp phải.
Bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Tennessee (Mỹ), người mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ bị bệnh về tim mạch cao. Người tiểu đường lâu năm và mắc các bệnh về tim có thể phát triển các biến chứng như: đột quỵ, suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi.
Người mắc tiểu đường có nguy cơ tử vong vì mắc bệnh tim mạch cao hơn người không mắc tiểu đường do thiếu kiểm soát đường huyết. Các yếu tố làm tăng nguy cơ hai căn bệnh này gồm béo phì, hút thuốc, thiếu hoạt động thể chất. Hiểu tình trạng bệnh và tuân theo kế hoạch điều trị giúp kéo dài tuổi thọ.
Bệnh thần kinh tiểu đường
Bệnh thần kinh tiểu đường xảy ra khi tổn thương thần kinh do đường huyết cao và nồng độ chất béo trung tính cao trong máu. Có nhiều loại bệnh thần kinh do tiểu đường với các triệu chứng khác nhau, có thể làm tổn thương các dây thần kinh, ảnh hưởng đến tay, chân, đùi, hông…
Loét bàn chân
Loét bàn chân thường xảy ra ở người bệnh tiểu đường; đi kèm các triệu chứng như tê chân, tuần hoàn kém, dị tật bàn chân. Loét bàn chân có thể dẫn đến nhiễm trùng và cắt cụt chi.
Nguy cơ cao loét bàn chân xảy ra nếu người tiểu đường mắc bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh thần kinh, kiểm soát đường huyết kém, hút thuốc lá, thừa cân, uống rượu… Người mắc bệnh về mắt, bệnh tim và bệnh thận liên quan tiểu đường cũng có nguy cơ loét bàn chân cao hơn.
Suy thận
Thận khỏe mạnh có chức năng lọc chất thải ra khỏi máu và kiểm soát huyết áp. Nếu thận không hoạt động hiệu quả, chất thải tích tụ, thời gian dài thận bị tổn thương dẫn đến suy thận. Người mắc tiểu đường type 2 và tiểu đường type 1 hơn 5 năm nên kiểm tra thận thường xuyên. Người ít hoạt động, ăn thực phẩm giàu muối, hút thuốc, mắc bệnh tim hoặc béo phì có nguy cơ mắc suy thận cao hơn.
Khô miệng
Lượng glucose trong máu cao làm giảm khả năng tiết nước bọt gây khô miệng. Nồng độ glucose cao trong nước bọt làm tăng sự phát triển của vi khuẩn, tăng nguy cơ bệnh về nướu, mảng bám, sâu răng.
Chứng khô miệng thường gây đau, nứt môi, nhiễm trùng miệng, khó nhai nuốt và nói chuyện. Khi bị khô miệng, bạn nên thường xuyên uống nước (uống từng ngụm); súc miệng bằng florua để ngăn ngừa sâu răng; tránh caffein, thuốc lá và rượu; hạn chế thức ăn có lượng muối cao và đồ cay. Người bệnh cần vệ sinh răng miệng tốt, có thể ăn kẹo cao su không đường để tăng lưu lượng nước bọt, sử dụng máy tạo độ ẩm vào ban đêm.
Bệnh về nướu
Viêm nướu hoặc bệnh nướu răng xảy ra khi mảng bám tích tụ xung quanh răng. Với người bệnh tiểu đường, phản ứng viêm đối với mảng bám sẽ lớn hơn. Triệu chứng của bệnh nướu răng gồm: răng lung lay hoặc nhạy cảm; nướu bị sưng, đỏ hoặc chảy máu; hôi miệng.
Bệnh nướu răng nếu không được điều trị có thể tiến triển thành viêm nha chu, một bệnh nhiễm trùng làm tổn thương mô mềm của nướu và có thể làm hỏng xương nâng đỡ răng. Để ngăn ngừa bệnh nướu răng, người bệnh cần tránh đồ uống có tính axit làm xói mòn men răng, dùng chỉ nha khoa thường xuyên, đánh răng, chải cả lưỡi để loại bỏ vi khuẩn.
Mất thính lực
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở tai trong dẫn đến suy giảm và mất thính lực theo thời gian. Người tiểu đường khi phải nghe với âm lượng lớn… thì nên đi kiểm tra thính giác.
Mất thị lực
Bệnh nhân tiểu đường có thể phát triển bệnh võng mạc tiểu đường gây suy giảm và mất thị lực. Bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến bệnh tăng nhãn áp tân mạch (chất lỏng chảy ra khỏi mắt do các mạch máu bất thường phát triển ở võng mạc), phù hoàng điểm làm mờ mắt do các mạch máu trong võng mạc rò rỉ chất lỏng gây sưng vùng điểm vàng của mắt. Người tiểu đường nên đi khám mắt mỗi năm một lần để phòng ngừa và bảo vệ thị lực.
Mất trí nhớ
Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và các vấn đề về nhận thức khác cao hơn. Khi lượng đường trong máu cao hơn bình thường làm tổn thương các tế bào thần kinh, mạch máu trong cơ thể và não. Điều này có thể gây ra tình trạng mất trí nhớ tiến triển chậm. Nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát đúng cách, khả năng bị biến chứng với trí nhớ sẽ càng cao.
Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ khá phổ biến ở người mắc tiểu đường type 2. Kháng insulin và không dung nạp glucose là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của tiểu đường type 2.
Nhiễm trùng da
Người tiểu đường có thể mắc một số vấn đề về da như ngứa, nhiễm nấm và nhiễm khuẩn, xuất hiện mảng da nâu ở nách, cổ, háng, bàn tay, đầu gối và khuỷu tay…
Rối loạn cương dương
Theo Hiệp hội Tâm thần Ấn Độ, rối loạn cương dương cũng là một biến chứng của bệnh tiểu đường. Người lớn tuổi mắc tiểu đường và kiểm soát đường huyết kém có nguy cơ bị rối loạn cương dương nghiêm trọng cao hơn người trẻ mắc bệnh này.
Theo: Very Well Health/vnexpress.net
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet