Sốt giống nhiễm trùng có thể là ung thư ác tính nguy hiểm
Đây là loại ung thư có nguồn gốc từ hệ bạch huyết, có thể khởi phát ở bất kỳ vị trí nào và lan tràn đến mọi bộ phận của cơ thể. Triệu chứng hay gặp của u lympho ác tính không Hodgkin đôi khi cũng chỉ giống như cúm hoặc nhiễm trùng.
U lympho ác tính không Hodgkin là nhóm bệnh tăng sinh ác tính dòng tế bào lympho, với biểu hiện phức tạp về lâm sàng, mô bệnh học, tiên lượng bệnh.
Không tin khi được chẩn đoán ung thư
Gần đây ông Nguyễn Văn H., 65 tuổi (Hải Phòng), thường xuyên bị sốt, gần như tháng nào ông cũng phải nhập viện vì sốt cao. Các bác sĩ cũng rất ngạc nhiên khi làm đủ các chiếu chụp và xét nghiệm nhưng cũng không tìm được lý do kiểu sốt nhiễm trùng của ông.
Phải sau rất nhiều lần nhập viện, cuối cùng làm tủy đồ và chất chỉ điểm β2-microglobulin, LDH mới tìm ra căn nguyên vã mồ hôi, sụt cân và sốt của ông là do loại ung thư ác tính u lympho ác tính không Hodgkin. Ông không thể tin được mình lại mắc căn bệnh quái ác này khi cơ thể không có biểu hiện của u.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, cho biết đây là một trong những loại ung thư ngày càng nhiều người mắc. Tại Mỹ, theo thống kê trong năm 2005 có 56.390 trường hợp mới mắc và có khoảng 19.000 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Tại Việt Nam, bệnh có tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 5,2/100.000 dân, đứng hàng thứ 7 trong các loại ung thư. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ.
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn nhưng không đau. Triệu chứng khác có thể gặp như sốt không tìm được nguyên nhân, ra mồ hôi về đêm, mệt mỏi thường xuyên, sụt cân, ngứa, các mảng ửng đỏ trên da; thỉnh thoảng có trường hợp buồn nôn, nôn, đau bụng… như ông H. kể trên.
“Tuy vậy các triệu chứng nói trên không phải là biểu hiện chắc chắn của u lympho ác tính không Hodgkin. Các triệu chứng này cũng có thể do các bệnh không nghiêm trọng khác như cúm hoặc các nhiễm trùng.
Vì vậy khi có các triệu chứng này nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế và tốt nhất là các bệnh viện chuyên về ung bướu để chẩn đoán và điều trị sớm. Bất kỳ bệnh nào dù cúm hay ung thư, điều trị sớm đều tốt hơn để muộn” – ông Tuấn khuyên.
Ngoài ra khi u lympho ác tính không Hodgkin biểu hiện ở hạch trung thất, có hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên hoặc biểu hiện các vị trí khác ở ngoài hạch như: sưng amidan, lồi mắt nếu u ở hốc mắt. Nhìn tổng quát chứng bệnh này có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và khó đánh giá về tiên lượng.
Không đau và khởi phát ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể
Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết đây là loại ung thư có nguồn gốc từ hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết là một mạng lưới gồm các ống chia nhánh giống như các mạch máu, tỏa khắp cơ thể nên u có thể khởi phát ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể.
Bệnh có thể xảy ra ở một hạch, một nhóm hạch hoặc bất kỳ cơ quan nào. Loại ung thư này có thể lan tràn đến mọi bộ phận của cơ thể trong đó có gan, tủy xương và lá lách…
Ông Tuấn phân tích hệ bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, đặc biệt là chống lại các nhiễm trùng từ bên ngoài. Khi u tiến triển, khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể giảm.
Không lây và không do chấn thương
Trong vài thập kỷ gần đây, tỉ lệ mắc bệnh đã tăng lên đáng kể. Cho tới nay người ta biết rất ít về lý do tỉ lệ mắc tăng và nguyên nhân chính xác của bệnh.
Khó có thể giải thích tại sao người này mắc bệnh mà người kia lại không mắc. Nhưng có một điều rõ ràng rằng loại ung thư này không lây và cũng không do chấn thương.
Bằng nghiên cứu ung thư trên một quần thể lớn, các nhà nghiên cứu đã tìm được một số yếu tố nguy cơ nhất định thường thấy ở người bệnh u lympho ác tính không Hodgkin hơn ở người không bị bệnh.
Tuy vậy cũng có những người có các yếu tố nguy cơ này mà không mắc bệnh và cũng có những người bị bệnh mà không có một yếu tố nguy cơ nào. Các yếu tố nguy cơ gồm:
Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: u lympho ác tính không Hodgkin hay gặp hơn ở người suy giảm miễn dịch, các bệnh tự miễn, những người nhiễm HIV/AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng.
Vi rút: Các vi rút T-lymphotropic trên người loại I (HTLV – 1) và vi rút Epstein – Barr có thể làm tăng nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin.
Môi trường: Những người làm việc trong môi trường có nhiều chất hóa học như thuốc trừ sâu, phân bón, các loại dung môi có nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin cao hơn.
“Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đi khám ngay. Khi bệnh được xác định, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn bệnh (mức độ lan rộng của bệnh).
Giai đoạn bệnh cho biết bệnh lan tới đâu. Các bác sĩ sẽ kiểm tra một cách chi tiết: Số vị trí u và hạch bị bệnh, các xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ, xét nghiệm tủy xương (tủy đồ) hoặc sinh thiết tủy: lấy một ít tủy xương (ở xương chậu hoặc xương ức) để làm xét nghiệm”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Phương pháp điều trị được chỉ định trên từng người bệnh, dựa vào giai đoạn, loại tế bào, thể bệnh phát triển chậm hay nhanh, tuổi và sức khỏe chung của người bệnh.
“Tiên lượng cho người bệnh u lympho ác tính không Hodgkin phụ thuộc nhiều yếu tố, có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm ác tính thấp, tỉ lệ sống trung bình giai đoạn sớm khoảng 10 năm và ác tính cao, tỉ lệ sống thêm thấp hơn trung bình 5 năm khoảng 50 – 60%.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet