Đau đầu khi trời nắng nóng: Nguyên nhân và cách khắc phục
Mất nước, kiệt sức... có thể là nguyên nhân dẫn tới các cơn đau đầu vào mùa nắng nóng. Đau đầu khi thời tiết nắng nóng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần bổ sung nước.
Khi thời tiết nắng nóng có thể gây ra những cơn đau đầu. Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới đau đầu vào mùa hè là do cơ thể bị mất nước và không được bổ sung kịp thời.
Vì sao mất nước dẫn tới đau đầu?
Thời tiết nắng nóng cơ thể thường toát mồ hôi để cân bằng nhiệt. Tuy nhiên, nếu không được bù đủ nước và điện giải sẽ gây ra tình trạng mất nước. Nếu cơ thể rơi vào tình trạng mất nước, khối lượng tuần hoàn giảm cũng như nồng độ một số chất điện giải trong cơ thể thay đổi. Điều này dẫn đến việc lượng máu lên não giảm đi. Khi máu lên não giảm đi, hệ mạch máu trên não sẽ điều chỉnh bằng cách thay đổi mức độ co giãn. Mạch máu co giãn không nhịp nhàng gây ra tình trạng co mạch quá mức hoặc giãn mạch quá mức sẽ dẫn tới hiện tượng đau đầu.
Làm gì khi bị đau đầu khi trời nắng
Khi bị đau đầu, người bệnh thường sử dụng thuốc giảm đau để làm giảm cơn đau đầu. Tuy nhiên, điều này là không nên. Tốt nhất người bệnh nên bổ sung đủ nước cho cơ thể. Có thể duy trì thói quen bổ sung nước cho cơ thể bằng cách đặt nhắc nhở trên điện thoại.
Trong mùa hè thời tiết nắng nóng, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Không nên đi ra ngoài đặc biệt trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 16 giờ. Nếu ra ngoài trong thời tiết nắng nóng cần dùng đồ bảo hộ chống nắng như ô, mũ, áo dài tay, khẩu trang…
Hoặc trong trường hợp phải lao động ngoài trời nắng trong thời gian dài, cần lưu ý bổ sung nước, điện giải. Tránh để tình trạng mất nước, làm việc quá sức trong thời gian dài. Nghỉ ngơi nơi bóng mát nếu cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, đuối sức. Hay ngay khi có các triệu chứng đau đầu do nắng nóng hoặc kiệt sức, người bệnh cần bổ sung đủ nước, đến nơi thoáng mát, chườm lạnh làm mát cơ thể đồng thời nghỉ ngơi giúp cơ thể cân bằng lại nhiệt.
Uống nước đúng cách
Mỗi ngày người trưởng thành trong điều kiện bình thường (không hoạt động nhiều), nên uống ít nhất từ 2-2,5 lít nước và chia thành 8-10 cốc nước, mỗi cốc từ 200-300ml.
Thời điểm cần uống nước là trước khi ngủ và sau khi ngủ dậy, nên uống từ 100-200ml nước. Trước khi luyện tập hoặc vận động nặng cũng nên bổ sung cho cơ thể từ 100-200ml nước. Sau đó nếu trong quá trình vận động có mất sức, không nên uống nhiều nước cùng lúc, nên uống từng ngụm nhỏ. Trong trường hợp không mất nhiều mồ hôi có thể uống nước lọc hoặc nước khoáng, nước ép rau củ.
Còn nếu cơ thể đổ nhiều mồ hôi, cần bổ sung các dung dịch có pha thêm muối hoặc dung dịch bù điện giải để đảm bảo nồng độ các chất điện giải ở trong máu không bị thay đổi nhiều. Bởi chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh. Khi nồng độ các chất điện giải giảm hoặc tăng đều ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh và sự co bóp của cơ tim.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet