3 cách giúp phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Tập thể dục giảm cân, ăn uống lành mạnh, uống không quá ba ly cà phê mỗi ngày giúp phòng ngừa, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết gan của người bình thường có sẵn một lượng chất béo. Gan nhiễm mỡ xảy ra khi chất béo vượt quá 5% trọng lượng gan. Người béo phì, mắc tiểu đường type 2, huyết áp cao, uống nhiều rượu bia, suy dinh dưỡng, lối sống không lành mạnh có nguy cơ mắc bệnh cao.
Gan nhiễm mỡ chưa có thuốc đặc trị, phương pháp điều trị nhằm cải thiện triệu chứng, tránh bệnh tiến triển nặng. Dưới đây là một số cách góp phần ngăn ngừa bệnh lý này.
Tập thể dục giảm cân
Theo bác sĩ Khanh, người thừa cân, béo phì chỉ cần giảm 5% trọng lượng cơ thể giúp giảm chất béo trong gan, 7-10% trọng lượng góp phần cải thiện tình trạng viêm, tổn thương tế bào gan. Không nên ép cân quá nhanh, do gan giải phóng nhiều cholesterol vào mật tăng nguy cơ hình thành sỏi. Nhóm người này nên giảm 5-10% so với cân nặng ban đầu trong khoảng thời gian 6 tháng để đảm bảo an toàn.
Tập thể dục thúc đẩy cơ thể đốt cháy năng lượng dư thừa, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể, hạ lượng chất béo tích trữ trong các tế bào gan. Vận động thường xuyên còn kiểm soát, duy trì cân nặng hợp lý, tránh nguy cơ thừa cân, béo phì.
Mọi người nên duy trì 5 buổi tập thể dục mỗi tuần, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Nên bắt đầu với bài tập nhẹ, thời lượng ngắn, tăng dần cường độ và độ khó theo thời gian. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để chọn môn thể thao phù hợp với thể chất, tình trạng sức khỏe, chế độ dùng thuốc…
Xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, tốt cho sức khỏe. Bữa ăn nên có chất béo lành mạnh có nhiều trong dầu ô liu, cá hồi, cá ngừ, cá mòi… để bổ sung cholesterol tốt, giảm chất béo trung tính và chất béo trong gan.
Một số loại hạt như óc chó, hạt chia, đậu phộng hỗ trợ giảm viêm, kháng insulin, stress oxy hóa. Hạt hướng dương giàu vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, ngăn gan nhiễm mỡ. Người bệnh ưu tiên ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ, tạo cảm giác no, hỗ trợ tiêu hóa.
Trái cây nhiều đường fructose cần hạn chế nằm tránh tích lũy thành mỡ trong gan. Tránh thịt đỏ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều muối, carbohydrate tinh chế (bánh mì trắng, gạo, mì ống), thực phẩm có nhiều đường, bia rượu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Uống cà phê
Theo bác sĩ Khanh, uống không quá ba ly cà phê đen nguyên chất mỗi ngày tốt cho gan. Hoạt chất polyphenol, melanoidin trong cà phê có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm trong gan. Caffeine có khả năng hạ nồng độ men gan cao bất thường, ngăn chặn khởi phát các bệnh lý về gan. Khi vào cơ thể, caffeine sẽ chuyển hóa thành paraxanthine, có khả năng làm chậm sự quá trình xơ hóa, hình thành sẹo gan, nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu, phòng xơ gan, ung thư gan.
Bác sĩ Khanh lưu ý thêm cần có thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh hiệu quả của cà phê với gan. Người bệnh nên theo dõi các thay đổi cơ thể khi uống cà phê, hỏi ý kiến bác sĩ về tác dụng phụ để đảm bảo an toàn.
Theo: vnexpress.net
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet