10 thói quen khiến bệnh xơ gan trở nặng
Uống rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động, ăn đồ chín tái làm tăng lượng mỡ, cản trở lưu thông máu, ngộ độc thực phẩm, khiến xơ gan tiến triển nặng.
Tế bào gan tổn thương liên tục trong thời gian dài hình thành các mô sẹo, dẫn tới xơ gan. Mô sẹo nhiều, lưu thông máu qua gan bị cản trở, làm chậm xử lý chất độc, chất dinh dưỡng, hormone, thuốc, dẫn tới suy giảm chức năng gan.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết xơ gan là hậu quả của viêm gan virus, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thừa cân, béo phì… Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát, điều trị. Dưới đây là thói quen làm cho xơ gan tiến triển nặng.
Uống rượu bia: Chất cồn trong rượu bia sau khi vào cơ thể biến đổi thành chất độc acetaldehyde, gây viêm, phá hủy tế bào gan. Người bệnh xơ gan nếu tiếp tục uống rượu bia giảm hiệu quả điều trị bệnh. Gan mất dần cơ chế tự bảo vệ, dẫn đến biến chứng xơ gan mất bù (giai đoạn muộn của xơ gan), suy gan, hôn mê gan, tăng nguy cơ tử vong.
Rượu còn làm chết lượng lớn lợi khuẩn, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hệ tiêu hóa không tiết đủ enzym để tiêu hóa thức ăn. Đồ uống có cồn còn làm rối loạn hấp thu nước, chất điện giải, chất dinh dưỡng, khiến người bệnh suy dinh dưỡng.
Hút thuốc lá: Theo bác sĩ Khanh, hút thuốc lá tăng nguy cơ mất bù ở bệnh nhân xơ gan, phát sinh tế bào ung thư gan ở bệnh nhân viêm gan B hoặc C. Hóa chất độc hại trong thuốc lá dẫn đến stress oxy hóa, thúc đẩy sản xuất cytokine, tạo ra gốc tự do gây viêm, tăng tổn thương tế bào gan.
Lười vận động: Ít vận động tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Chất béo dư thừa có thể tích tụ mỡ trong tế bào gan, gan to, chức năng thải độc suy giảm.
Không chú ý chế độ dinh dưỡng: Khi gan xơ hóa, quá trình sản xuất và cung cấp mật bị ảnh hưởng. Thói quen ăn nhiều mỡ động vật, đồ chiên rán, thức ăn nhanh khiến tiêu hóa khó khăn, tạo gánh nặng cho gan.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh nhân xơ gan còn bù (giai đoạn sớm của xơ gan) nên ăn đầy đủ chất đạm, chất béo tốt trong cá, hạt chia, dầu thực vật, đường, vitamin và khoáng chất để tránh suy dinh dưỡng.
Ở giai đoạn mất bù, thực đơn dinh dưỡng vẫn cần duy trì lượng đạm do thiếu gây teo cơ. Bệnh nhân dễ bị bệnh não do gan hoặc hôn mê gan. Tăng cường chất xơ trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ 1-1,5 lít nước mỗi ngày giúp tránh táo bón.
Ăn mặn: Người bệnh xơ gan ăn quá nhiều muối dễ bị tụ dịch ở bụng (cổ trướng), ở chân (phù nề). Nêm gia vị vừa ăn hoặc hơi nhạt, lượng muối mỗi ngày không nên quá 5 g. Tránh sử dụng thực phẩm đóng hộp.
Lạm dụng đồ ngọt: Đường tinh luyện, siro ngô có lượng fructose cao đẩy nhanh quá trình tích tụ chất béo trong gan, tăng gánh nặng cho gan. Thực phẩm có nhiều đường như soda, bánh ngọt, kẹo cần hạn chế.
Ăn thịt, hải sản sống hoặc chín tái: Người mắc bệnh này dễ nhiễm trùng hơn so với bình thường do khả năng chuyển hóa, hấp thu chất dinh dưỡng, lọc chất độc kém, giảm chức năng miễn dịch. Thịt, hải sản sống hoặc chín tái chứa nhiều vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh, tăng nguy cơ ngộ độc, nhiễm khuẩn.
Tự ý sử dụng thuốc: Theo bác sĩ Khanh, lạm dụng thuốc một số nhóm thuốc như acetaminophen, ibuprofen… có thể hại gan. Bổ sung liều lượng lớn vitamin, khoáng chất, nhất là vitamin A, sắt hoặc đồng không theo chỉ định của bác sĩ khiến gan tổn thương nhiều hơn.
Một số người tự ý dùng thuốc nam, bài thuốc cây lá lưu truyền trong dân gian để giải độc, cải thiện chức năng gan. Sử dụng tùy tiện giảm hiệu quả điều trị bệnh xơ gan, tăng áp lực đào thải lên gan. Người bệnh nên chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Không tiêm ngừa vaccine phòng viêm gan: Người bị xơ gan có nguy cơ phát triển ung thư gan nhanh hơn nếu nhiễm virus viêm gan. Viêm gan B dễ diễn tiến thành các bệnh nghiêm trọng như xơ gan, suy gan, ung thư gan. Theo bác sĩ Khánh, không tiêm ngừa vaccine phòng viêm gan B tăng nguy cơ mắc bệnh về gan.
Không tái khám: Xơ gan không được kiểm soát, điều trị đúng hướng dễ biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan, bệnh não do gan, suy thận trong hội chứng gan thận, ung thư gan.
Bên cạnh uống thuốc theo chỉ định bác sĩ, người bệnh cần khám định kỳ 6 tháng một lần. Dựa trên kết quả xét nghiệm máu, đánh giá chức năng gan, tải lượng virus, bác sĩ điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Theo: vnexpress.net
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet