9 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi cần biết
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn. Vậy dấu hiệu sớm của căn bệnh này ra sao? Ai cần sàng lọc ung thư phổi?
Ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cho người bệnh là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền.
Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.
Các triệu chứng xuất hiện tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa.
Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
1. Biểu hiện ho và ho kéo dài
Ho là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu tình trạng ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
2. Xuất hiện đau vai, tay và các ngón tay
Đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mi mắt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
3. Xuất hiện khó thở
Khó thở cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
4. Xuất hiện đau ngực
Đau ngực hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
Tức ngực, khó thở có thể là biểu hiện của ung thư phổi cần cảnh giác.
5. Biểu hiện khàn tiếng
Khàn tiếng thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
6. Xuất hiện hạch cổ
Khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
7. Sụt cân bất thường
Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
8. Đau đầu, đau nửa đầu thường xuyên
Khi khối u phổi chèn ép gây áp lực lên tĩnh mạch chủ trên thì sẽ gây ra hiện tượng đau nhức đầu khó chịu. Đây là tĩnh mạch lớn vận chuyển máu từ phần trên của cơ thể về tim, nay bị tắc lại, khiến máu ứ lại, sức ép sẽ khiến người bệnh đau đầu, nặng hơn là đau nửa đầu thường xuyên. Ngoài ra, triệu chứng này cũng là một dấu hiệu cảnh báo các tế bào ung thư phổi đã di căn lên não.
9. Ho ra máu
Người bị ho mạn tính (nhất là ở người hút thuốc lá) xuất hiện dấu hiệu ho dai dẳng hơn, ho ra nhiều chất nhầy và ho ra máu thì rất có thể đây là một trong số các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi.
Những đối tượng nguy cơ cao cần được sàng lọc ung thư phổi
Hầu hết những người bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng có triệu chứng đi khám thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Vì vậy việc phát hiện sớm ung thư phổi khi chưa có triệu chứng rất quan trọng.
Tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi là cách để phát hiện sự hiện diện của ung thư phổi ở những người khỏe mạnh có nguy cơ cao bị mắc ung thư phổi. Việc sàng lọc được thực hiện hàng năm bằng chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (Low-dose CT scan) để truy tìm khối u.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) những người có những yếu tố sau đây cần được sàng lọc ung thư phổi định kỳ:
1. Người có tiền sử hút thuốc lá, đặc biệt từ 20 năm trở lên.
2. Người trên 50 tuổi và từng có thời gian hút thuốc (trên 10 năm).
3. Người hút thuốc > 20 bao/năm. (số bao/năm được quy đổi bằng số bao hút trung bình một ngày x số năm hút thuốc. Ví dụ: 1 ngày hút 1 bao, trong 20 năm được quy đổi là 20 bao/năm; một ngày hút 2 bao, trong 10 năm cũng được quy đổi là 20 bao/năm).
4. Người hiện vẫn đang hút thuốc hoặc mới bỏ trong vòng 15 năm.
5. Người từ 50 đến 80 tuổi.
6. Người từng mắc Ung thư phổi và đã điều trị được từ 5 năm trở lên.
7. Gia đình có người bị ung thư (ung thư phổi hoặc ung thư nào khác), khởi phát trước tuổi 60.
8. Làm nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi, khói (khói nấu ăn, khói thuốc, nhang, amiăng), phóng xạ.
9. Người mắc ung thư khác hoặc mắc các bệnh phổi mãn tính (COPD, lao phổi, …).
Đặc biệt, hiện nay những người có tiếp xúc thuốc lá nhưng thuộc diện hút thuốc lá thụ động (người thân, vợ chồng, con cái…) của người hút thuốc lá cũng là những đối tượng cần đi sàng lọc ung thư phổi.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet