TP HCM giải thể bệnh viện dã chiến Covid cuối cùng
Sở Y tế TP HCM tham mưu UBND quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến ba tầng số 13 - bệnh viện trị Covid cuối cùng tại Việt Nam.
Ngày 27/10, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết đây là bệnh viện dã chiến duy nhất của thành phố, đặt trong tình trạng sẵn sàng kích hoạt trở lại trong vòng 48 giờ nhằm tiếp nhận người bệnh Covid nếu dịch bùng phát trở lại, ở giai đoạn được xem là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Mới đây, Chính phủ đưa Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B, tức giảm cấp độ nguy hiểm và xem là bệnh thông thường. Tại cuộc họp hôm 20/10, Bộ Y tế đánh giá hiện nay tình hình dịch đã ổn định, xem xét giải thể bệnh viện này.
Theo ông Thượng, Sở sẽ điều chuyển các trang thiết bị còn lại trong bệnh viện như giường inox, hệ thống oxy đến các bệnh viện trực thuộc, phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh thông thường. Một năm qua, nơi này không có bệnh nhân, hầu hết thiết bị y tế, máy móc đều đã phân bổ về cho các bệnh viện đang hoạt động.
Bệnh viện này hoạt động từ tháng 8/2021, sau gần hai tháng xây dựng – thời điểm Covid cao điểm tại TP HCM, quy mô khoảng 3.500 giường và Trung tâm Hồi sức tích cực 500 giường. Khi ấy, trong bối cảnh dịch bùng phát, thành phố đã thần tốc lập 15 bệnh viện dã chiến nhằm cách ly điều trị bệnh nhân Covid. Đến nay, các bệnh viện dã chiến khác đã giải thể, và Dã chiến số 13 là bệnh viện cuối cùng được giải thể.
Như vậy, các bệnh viện dã chiến Covid đã hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch bùng phát đau thương nhất trong lịch sử. Trong hơn bốn năm qua, Việt Nam đã trải qua bốn đợt Covid, ghi nhận hơn 11,6 triệu ca, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đỉnh điểm là đợt dịch thứ 4 kéo dài từ giữa năm 2021 đến hết năm. Hơn 43.000 người đã tử vong do bệnh này, tỷ lệ 0,4% tổng số ca nhiễm. Từ đầu năm đến nay, số ca Covid giảm 12 lần so với năm 2021 và 68 lần năm ngoái.
Hiện trong bối cảnh Covid là bệnh thông thường, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch quản lý bền vững dịch trong tình hình mới, không chủ quan, lơ là. “Không phải Covid chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì đồng nghĩa bệnh sẽ nhẹ hơn”, ông Thượng nói.
Sở Y tế nhận định virus gây bệnh vẫn có thể biến đổi. Việc giám sát Covid không chỉ trên ca bệnh mà sẽ tiếp tục được lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác, nhằm theo dõi các biến thể của virus. Phác đồ điều trị bệnh vẫn giữ như hiện tại, chưa thay đổi phác đồ khi bệnh chuyển sang nhóm B. Người mắc bệnh phải đeo khẩu trang trong 10 ngày kể từ ngày phát bệnh hoặc từ ngày có kết quả dương tính.
Từ ngày 20/10, người bệnh đến khám và điều trị bệnh Covid không được ngân sách nhà nước chi trả (tức không điều trị miễn phí), thay vào đó được hưởng chi trả bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế phải tự thanh toán hoàn toàn. Tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia chống dịch cũng không còn được hưởng phụ cấp chống dịch.
Thành phố tiếp tục tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid cho nhóm có nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền, theo kế hoạch của Bộ Y tế. Trong năm nay, vaccine vẫn được tiêm miễn phí. Sang năm 2024, Bộ Y tế sẽ cập nhật thông tin sau.
Theo: vnexpress.net
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet