Những bệnh gây khó thở khi nằm
Khó thở khi nằm có thể do thừa cân, phì đại cuốn mũi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ngưng thở khi ngủ.
Thừa cân, béo phì
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người thừa cân, béo phì thường có mỡ vùng cổ dày. Khi nằm xuống, mỡ theo trọng lực đè vào đường thở, khiến đường thở hẹp lại gây cảm giác khó thở. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra tiếng ngáy khi ngủ. Một số giải pháp có thể làm giảm tình trạng này là giảm cân hoặc nằm nghiêng để giảm áp lực, giúp đường thở thông thoáng hơn.
Phì đại cuốn mũi
Phì đại cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi to lên bất thường, cản trở hoạt động thở qua mũi. Người bệnh thường bị ngạt mũi liên tục, gây khó thở cả khi ngồi hay nằm, kèm theo chảy nước mũi, ngủ ngáy, chức năng ngửi suy giảm.
Người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ có thể kê thuốc giảm viêm, sưng, cải thiện triệu chứng. Trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả có thể cần phẫu thuật giảm kích thước cuốn mũi.
Ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ đặc trưng bởi tiếng ngáy to, nghe như nghẹt ở cổ họng. Bệnh gây ngưng thở tạm thời trong lúc ngủ, não phải đánh thức cơ thể tỉnh dậy. Người bệnh thức giấc với cảm giác nghẹt thở, thở hổn hển. Đây là hội chứng nguy hiểm, có thể gây đột tử ngay trong đêm.
Đo đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp giúp chẩn đoán chính xác bệnh. Để giảm ngủ ngáy, người bệnh nên nằm ngủ nghiêng, giảm cân (nếu thừa cân), không uống rượu bia trước khi ngủ. Theo bác sĩ Thành Đô, người ngưng thở khi ngủ nặng, điều trị bằng thở máy áp lực dương CPAP giúp khỏi ngáy ngủ nếu dung nạp tốt.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở co thắt, hẹp hơn so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Ngoài ra còn có triệu chứng thở khò khè, tức ngực, ho có đờm…
Bệnh này rất phổ biến, nhất là ở những thành phố lớn, có tình trạng ô nhiễm không khí hoặc ở những người có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào. Bệnh được chẩn đoán bằng cách đo chức năng hô hấp, kết hợp các biện pháp thăm dò chức năng phổi chuyên sâu khác. Đây là bệnh mạn tính nhưng người bệnh có thể kiểm soát ổn định nếu tuân thủ điều trị của bác sĩ.
Hen suyễn
Nhiều người hen suyễn thường xuyên khó thở khi nằm xuống, nhất là thời điểm về đêm hoặc gần sáng. Người bị đợt cấp của hen sẽ khó thở kèm theo thở khò khè, thở gấp, đau tức ngực, vã mồ hôi… Lúc này, nếu không được can thiệp kịp thời bằng thuốc cắt cơn hen, người bệnh có thể nguy hiểm tính mạng.
Ngoài đi bác sĩ khám, để hạn chế triệu chứng khó thở, người bệnh hen suyễn cần tránh tiếp xúc các tác nhân dị ứng như khói thuốc lá, lông thú cưng, mạt bụi. Phòng ngủ nên thường xuyên lau dọn, vệ sinh thiết bị làm mát như quạt, điều hòa, tránh để phát tán bụi bặm vào không khí.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet