Số người khám sức khỏe tiền hôn nhân còn ‘khiêm tốn’
Số cặp nam nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn tại TP HCM và Hà Nội tăng dần từng năm, song vẫn còn "rất khiêm tốn", một phần do tâm lý e dè của giới trẻ.
Hôm 6/11, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM Phạm Chánh Trung cho biết năm 2017, thành phố ghi nhận 319 cặp tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng lên 950 vào năm ngoái. Cặp đôi được truyền thông tăng từ hơn 90 lên 92%.
“Đây là những tín hiệu khả quan dù vẫn còn rất khiêm tốn với các hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại thành phố”, ông Trung nói.
Tương tự, tại Hà Nội, tỷ lệ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn đạt gần 32% vào năm 2022, theo Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, chưa rõ con số cụ thể là bao nhiêu cặp đôi và họ được khám, tư vấn những nội dung cụ thể gì.
Một số bệnh viện tại hai thành phố lớn này cho hay số người đến khám tiền hôn nhân tăng theo các năm, tuy nhiên con số này khá xa so với kỳ vọng của ngành y tế là “tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90% vào năm 2030”.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng Cục Dân số, cho biết khám sức khỏe trước khi kết hôn rất quan trọng và cần thiết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm tốt nhất nên làm việc này là trước khi kết hôn 3-6 tháng.
Theo bà Hương, khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ giúp các cặp đôi trang bị nhiều kiến thức bổ ích, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống sau này, mà còn giúp tránh nghi ngờ lẫn nhau, tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Bên cạnh đó, việc này còn giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh tiềm ẩn, gây ảnh hưởng đến đời sống chăn gối cũng như sức khỏe.
Ngoài ra, việc khám giúp tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con cái sau này như bệnh mù màu, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, hội chứng Down, bệnh máu khó đông di truyền, hội chứng Turner, hội chứng Edward…
Khi biết tiền sử bệnh của bố mẹ, nhân viên y tế có thể tư vấn đến các bệnh sẽ xảy ra ở trẻ sơ sinh như giang mai, lậu, rubella, viêm gan B, HIV. Điều này giúp bảo đảm cuộc hôn nhân bền vững và sinh ra những em bé khỏe mạnh.
“Khám sức khỏe trước khi kết hôn của các cặp nam, nữ thanh niên được xem là hình thức dự phòng cấp một trong việc nâng cao chất lượng dân số”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, nguyên nhân nhiều người trẻ chưa “mặn mà” được cho là xuất phát từ nhiều rào cản. Đầu tiên, thách thức đến từ chính nhận thức của các bạn trẻ, bà Hương nhận định. Nhiều cặp đôi hiện vẫn coi nhẹ, tâm lý e dè, ngại ngùng; hoặc không có sự đồng nhất tư tưởng giữa nam và nữ. Không ít nam giới cho rằng đối tác nghi ngờ “bản lĩnh đàn ông”, coi thường, xúc phạm nên mới đề nghị đi khám.
Hoặc, nhiều bạn nữ muốn đi khám nhưng lại sợ bạn bè và người thân dị nghị “chắc là có vấn đề mới phải đến viện”. Đặc biệt, nếu trường hợp bị phát hiện ra bệnh tật, họ sợ tình yêu của người kia không đủ mạnh để có thể vượt qua cú sốc, nguy cơ tan vỡ hôn nhân.
“Tất cả những suy nghĩ này đã tạo nên rào cản khiến ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đối với nhiều bạn trẻ”, bà nói.
Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM cũng nhìn nhận, rào cản lớn nhất chính là các cặp đôi vẫn chưa thực sự quan tâm, chưa có ý định khám sức khỏe trước khi kết hôn. Việc này cần xuất phát từ sự tự nguyện tham gia khi hiểu rõ về vai trò, lợi ích và tầm quan trọng. Do đó, một trong những thách thức lớn nhất của TP HCM là làm thế nào có thể truyền thông cung cấp đủ, kịp thời và chính xác thông tin để người dân hiểu về những lợi ích. Đồng thời, khi người dân có nhu cầu, mạng lưới hỗ trợ và các dịch vụ lại phải sẵn sàng để đáp ứng.
Để đạt mục tiêu 90% cặp đôi được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào năm 2030, các chuyên gia nhấn mạnh ngành dân số cần quyết liệt nhiều giải pháp. Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân, xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyên môn, Tổng cục Dân số cần mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tới cộng đồng. Tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh để bổ sung danh mục bệnh tầm soát trước khi kết hôn.
Mới đây, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM Nguyễn Tri Thức còn đề xuất quy định bắt buộc người dân khám sức khỏe tiền hôn nhân, do Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nghị định đều không quy định bắt buộc.
Tại TP HCM, ngành dân số đang phối hợp Bệnh viện Bình Dân đào tạo, tập huấn nhân viên y tế tuyến cơ sở, cụ thể là các bệnh viện và trung tâm y tế quận huyện. Hồi tháng 7, Bệnh viện Bình Dân khám cho hơn 200 cặp đôi trong hoạt động thử nghiệm chương trình hỗ trợ cung cấp dịch vụ khám nam khoa của gói dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn tại 6 quận huyện và TP Thủ Đức.
Chi cục phối hợp Bệnh viện Hùng Vương, Thành Đoàn TP HCM khám sức khỏe trước khi kết hôn miễn phí cho 150 cặp nam nữ công nhân, người lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Trung, TP HCM đang từng bước nghiên cứu và triển khai hình thức truyền thông mới, đặc biệt qua hệ thống các kênh thông tin, mạng xã hội dễ tiếp cận với nam nữ thanh niên và ít tốn kém chi phí.
Còn ở Hà Nội, nhiều quận huyện triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Theo đó, các phường tổ chức buổi sinh hoạt câu lạc bộ với những người trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn, truyền thông về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Như tại 3 phường Khương Trung, Khương Mai và Thượng Đình đã có trên 1.500 người tham dự.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm khám thể lực như đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở. Thứ hai là khám cận lâm sàng, gồm chụp X quang tim, phổi; xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.
Các cặp đôi được khám lâm sàng theo các chuyên khoa, trong đó ở nữ giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội về sản khoa, phụ khoa), khám vú, khám bộ phần sinh dục ngoài, thăm khám âm đạo khi có yêu cầu chẩn đoán xác định và được sự đồng ý; ở nam giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội, ngoại về chấn thương, viêm tinh hoàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, sự xuất tinh, sự cương cứng của dương vật), khám bộ phận sinh dục và thăm khám trực tràng khi cần thiết.
Trường hợp nghi ngờ có vấn đề, nhân viên y tế hướng dẫn tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet