Nhiều người trẻ già nhanh, đổ bệnh sớm
Lối sinh hoạt kém lành mạnh cộng áp lực cuộc sống khiến tỷ lệ người Việt 30-40 tuổi mắc các bệnh "người già" như cao huyết áp, mỡ máu, đột quỵ, ung thư ngày càng tăng.
Mai, 20 tuổi, ở Hà Nội, bỗng dưng mệt mỏi, da xanh xao, sút cân, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán men gan cao gấp 12 lần, suy thận, phải lọc máu cấp cứu, vào cuối tháng 11. Bác sĩ cho biết cô thường xuyên thức khuya, sinh hoạt thất thường, hầu như ngày nào cũng uống rượu khiến men gan bất thường, điều hiếm thấy ở những người tuổi đôi mươi.
Bệnh nhân khác, 24 tuổi, cao 1,83 m, nặng 170 kg do thói quen ăn uống và sinh hoạt. Bác sĩ chẩn đoán tiền đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, hô hấp, giấc ngủ, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp và một số bệnh liên quan rối loạn tình dục. Anh còn không thể cúi xuống vì bị thoái hóa đốt sống lưng.
“Nhìn bệnh án cứ tưởng một người trung niên, thực chất lại là chàng trai ở tuổi lẽ ra phải khỏe mạnh nhất, bị ví như cục mỡ di động”, người bệnh nói hôm 18/12.
Trong một hội thảo vào tháng 10, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội lo ngại người trẻ mắc các bệnh chuyển hóa ngày càng tăng, trong đó nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước tuổi 40. Bệnh tim mạch luôn được ví như “kẻ giết người số 1 thế giới” vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, gấp đôi số chết do ung thư, nhiều bệnh nhân chưa đến 20 tuổi, ông Hiền nói.
Tương tự, các bệnh khác thường thấy ở người cao tuổi liên quan quá trình trao đổi chất như cao huyết áp, men gan/mỡ máu tăng, gout, gan nhiễm mỡ, béo phì, đột quỵ, ung thư xuất hiện sớm hơn hàng chục năm ở những người thuộc thế hệ Millennial (sinh từ năm 1980 đến năm 1995). Những rối loạn chuyển hóa không chỉ khiến người trẻ mang bệnh mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến họ già hơn tuổi.
Đơn cử, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh suy thận mạn tăng 5-10% trong khoảng 5 năm nay. Thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, hơn một phần tư người trưởng thành bị tăng huyết áp và ngày càng tăng nhanh. Từ năm 2000 đến nay, số người trên 25 tuổi bị cao huyết áp tăng 47%, nam nhiều hơn nữ.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Hội đột quỵ Hà Nội, dẫn nghiên cứu tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy 7,6% là người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam nhiều gấp 4 lần nữ.
Nhiều người trẻ bị đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ gần giống ở người trung niên và cao tuổi, nhất là mắc các bệnh lý nền sớm. Trong đó, điển hình là những bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, tim mạch, cao cholesterol trong máu, dị dạng mạch máu, u não…
Nguyên nhân của tình trạng này là lối sống người Việt trẻ đang thay đổi theo hướng tiêu cực nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM.
Ông Dũng phân tích trước đây người dân có thói quen đi bộ, đạp xe thì việc di chuyển hiện nay của giới trẻ chủ yếu là ô tô, xe máy. Công việc trong nhà cũng được thay thế bằng máy móc hiện đại hơn như máy giặt, hút bụi, rửa chén… Học sinh, sinh viên ít hoạt động thể chất, sau đó lại bị cuốn vào guồng quay công việc, xu hướng ngồi một chỗ xem tivi, điện thoại, máy tính, tất cả tạo thành lối sống thụ động.
Đặc biệt, chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít tự nấu ăn và thường xuyên ăn ngoài, chuộng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn, nhiều đường, muối và chất phụ gia… làm tăng khả năng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo tỷ lệ mắc béo phì ở người trẻ tăng nhanh đến từ chế độ ăn uống và lối sống kém khoa học trên. Trong đó, béo phì ở người trẻ tuổi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, từ việc tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch đến sự phát triển của bệnh tiểu đường, ung thư… Khi béo phì, người trẻ dễ mắc các vấn đề tâm lý như stress, tự ti, lòng tự trọng thấp, lâu dần cô lập với xã hội và khả năng mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn.
Mặt khác, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng nguy hiểm nhất là thái độ chủ quan, sống thiếu khoa học ở người trẻ, dù biết điều này không tốt cho sức khỏe. Trong đó, nhiều người không khám sức khỏe định kỳ, hoặc cho rằng có sức khỏe nên ăn uống sinh hoạt “vô tội vạ”, đến lúc nhập viện cấp cứu mới biết bản thân có bệnh.
“Guồng quay công việc cuộc sống hối hả cuốn mọi người, sau đó lại dùng chính tiền bạc đó để mua lại sức khỏe, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng”, PGS Thịnh nói.
Để phòng bệnh và ngăn lão hóa sớm, các chuyên gia khuyến cáo người trẻ cần thay đổi lối sống, tăng cường hoạt động thể chất, ăn uống phù hợp, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tránh những yếu tố độc hại, gây ung thư chắc chắn như khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, hóa chất…
Duy trì thói quen thức ngủ đúng giờ hàng ngày, đảm bảo môi trường yên tĩnh. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ, đọc sách, nghe nhạc nhẹ, tắm nước ấm, tập thể dục đều đặn.
Người trẻ cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ, từ đó được chẩn đoán hoặc tư vấn và phòng bệnh đúng cách hơn. Người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiểu và đại tiện ra máu, ói ra máu… nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Người từng bị đột quỵ cần tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị, không ngưng hay bỏ thuốc giữa chừng. Không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc điều trị.
Theo: vnexpress.net
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet