TP Hồ Chí Minh: Đã có hơn 30% trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi chưa tiêm đủ mũi được tiêm vắc xin sởi
Trong 10 ngày đầu của chiến dịch (kể từ ngày 31/8/2024 đến hết ngày 09/9/2024), đã có 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc xin sởi, chiếm tỷ lệ 32,6% trên tổng số 60.733 trẻ thuộc diện phải tiêm theo kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Y tế chủ trì cuộc họp với sự tham gia của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh Xã hội về tiến độ tiêm vắc xin ngày 09/9/2024.
Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, tổng số trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi sinh sống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được quản lý trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là 437.412 trẻ, và theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (năm 2022), khi dịch sởi bùng phát lan rộng thì nên chọn phương án tiêm bổ sung vắc xin cho tất cả các trẻ, không kể tiền sử tiêm chủng trước đó. Theo đó, UBNDTP đã ban hành Kế hoạch số 4959/KH-UBND ngày 27/8/2024 về Chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn Thành phố, giai đoạn đầu ưu tiên tập trung tiêm vắc xin sởi cho tất cả trẻ em đang sinh sống tại những quận, huyện có số ca mắc sởi cao (Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, TP Thủ Đức,…) dự kiến khoảng 263.640 trẻ.
Qua giám sát tình hình trẻ mắc sởi trên địa bàn Thành phố từ khi công bố dịch với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày là khoảng 20 trẻ và hầu hết đều chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi, phát huy tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả từ hoạt động phòng chống đại dịch COVID-19, phương án tiêm bổ sung vắc xin cho tất cả các trẻ, không kể tiền sử tiêm chủng trước đó đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TPHCM điều chỉnh sang phương án tiêm vắc xin sởi cho những trẻ chưa được tiêm đủ mũi, phương án này được sự đồng thuận và thống nhất cao tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Thành phố vào ngày 29/8/2024 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
Như vậy, một yêu cầu quan trọng đặt ra đòi hỏi tất cả UBND quận, huyện và TP Thủ Đức và các Sở, ban ngành liên quan (Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Lao động và Thương binh, xã hội) phải phối hợp chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ rà soát thực tế, lập danh sách trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi (không phân biệt thường trú và tạm trú) và vận động đưa trẻ đi tiêm. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo cần khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho tất cả trẻ chưa tiêm đủ trong thời gian ngắn nhất để sớm tái lập miễn dịch trong cộng đồng góp phần chấm dứt dịch sởi.
Căn cứ vào số liệu trẻ được quản lý trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, ước tính số trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin sởi trên địa bàn Thành phố là 60.733 trẻ. Riêng đối với trẻ từ 6 đến 10 tuổi, theo thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo, số trẻ đi học từ lớp 1 đến lớp 5 là 633.036 trẻ (số liệu năm học 2023-2024). Nếu ước tính số trẻ chưa được tiêm đủ mũi chiếm 10% tổng số trẻ (tỷ lệ chưa tiêm đủ số mũi vắc xin sởi ở độ tuổi này chắc chắn thấp hơn so với nhóm trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi) thì số trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi phải tiêm trong chiến dịch dự kiến là khoảng 63.303 trẻ.
Như vậy, số trẻ từ 1 đến 10 tuổi cần tiêm vắc xin sởi trong chiến dịch ước tính khoảng gần 125.000 trẻ (bao gồm 60.733 trẻ 1 tuổi đến 5 tuổi và 63.303 trẻ 6 tuổi đến 10 tuổi). Tính đến hết ngày 09/9/2024, toàn Thành phố đã có 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc xin sởi, chiếm tỷ lệ 32,6% đối với nhóm trẻ từ 1-5 tuổi, và chiếm 15% trong nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi.
Đánh giá nhanh công tác phòng chống dịch sởi, Sở Y tế ghi nhận huyện Bình Chánh đã thực hiện tốt công tác rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1 đến 5 tuổi và đạt tiến độ tiêm trên 80% đối với nhóm trẻ 1-5 tuổi. Ngoài ra, Sở Y tế đánh giá cao nỗ lực của các quận: Phú Nhuận, 5, 3, 7, 10, Nhà Bè, Bình Tân, quận 6 trong công tác rà soát danh sách trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn, đây là những quận, huyện có số khảo sát thực tế cao hơn so với số trẻ được quản lý trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Bên cạnh đó, vẫn còn những quận, huyện cần phải đẩy mạnh và nhanh hơn nữa công tác rà soát thực tế cho chiến dịch tiêm vắc xin thật sự phát huy hiệu quả, cụ thể là: quận 1, Tân Bình, Tân Phú và quận 12 là những quận chỉ mới đạt khoảng 70%. Về tiến độ tiêm vắc xin, Sở Y tế có đến 21 quận, huyện, ngoại trừ huyện Bình Chánh, đều có tiến độ tiêm dưới 60% so với số trẻ đã được lập danh sách.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch sởi, đảm bảo trẻ được tiếp cận với vắc xin càng sớm càng tốt và an toàn, 70% số trẻ từ trẻ 1 đến 5 tuổi còn lại và nhóm trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin trong 3 tuần còn lại của tháng 9/2024. Riêng đối với trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi trong diện phải tiêm vắc xin phải được triển khai đồng loạt từ tuần thứ 3 của tháng 9/2024. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch sởi Thành phố yêu cầu:
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể (cảnh sát khu vực, ban điều hành khu phố/ấp) và huy động mạng lưới công tác viên sức khỏe cộng đồng, cộng tác viên dân số trên địa bàn tập trung thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” lập danh sách trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi (không phân biệt thường trú và tạm trú) và vận động đưa trẻ đi tiêm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm với nhiều điểm tiêm trên địa bàn (tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tư nhân…) và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của học sinh và phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức tiêm chủng tại trường học hoặc trạm y tế.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc ngành quản lý trên địa bàn Thành phố lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1 đến 10 tuổi và phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức buổi tiêm chủng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc trạm y tế.
SỞ Y TẾ TP.HCM
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet