Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người
Ngành y tế TP.HCM đang triển khai đợt cao điểm 55 ngày đêm nỗ lực sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNelD khi đi khám bệnh.
Người bệnh được hướng dẫn sử dụng sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeiD khi đến khám tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) – Ảnh: TRỌNG NGUYỄN
Đây là giải pháp lợi cả đôi đường, đặc biệt giúp người bệnh có thể đi “tay không” đến bệnh viện quét mã khám bệnh, không còn phải lỉnh kỉnh giấy tờ thủ tục.
Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định rằng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID mang đến rất nhiều lợi ích thiết thực, người dân có thể theo dõi trực tiếp sức khỏe của mình
“Đây cũng là công cụ cung cấp dữ liệu kịp thời, chính xác cho các bác sĩ nâng cao hiệu quả, chẩn đoán và điều trị; cũng như giúp xây dựng hệ sinh thái y tế số, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân”, ông nói.
Tiện lợi không ngờ
Hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm các thông tin cá nhân, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), lịch sử khám chữa bệnh, phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến… sẽ được tích hợp trên ứng dụng VNelD. Chỉ cần đăng nhập ứng dụng, người dân có thể dễ dàng thăm khám bệnh mà không cần mang theo bất kỳ giấy tờ nào.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào ngày 14-11, để hướng dẫn người bệnh cập nhật hồ sơ sức khỏe trên ứng dụng VNeID, ngay cổng ra vào khu khám bệnh Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã bố trí bảng hướng dẫn ghi rõ các bước thực hiện (xem đồ họa). Nhân viên bệnh viện cũng túc trực liên tục để giải đáp, hướng dẫn bệnh nhân, đặc biệt là người lớn tuổi.
Nhiều bệnh nhân lớn tuổi không khỏi bất ngờ vì sự tiện lợi khi thấy thông tin lịch sử khám bệnh, thẻ BHYT của mình được tích hợp luôn trên ứng dụng VNeID.
Chỉ cần vài chạm là người bệnh dễ dàng cập nhật được thông tin trên ứng dụng. Bệnh nhân chỉ cần đăng nhập app, chọn mục hồ sơ sức khỏe điện tử sau đó nhập đúng mã BHYT. Nếu mã đúng, chỉ trong vòng 3 – 4 giờ ứng dụng sẽ gửi tin nhắn phê duyệt thành công. Những lần sau khi đi khám bệnh chỉ cần quét mã QR trong app là có thể vào khám.
Ông P.V.D. (65 tuổi, quận 3) mắc bệnh huyết áp, tiểu đường, tim mạch từ nhiều năm nay. Hằng tháng ông phải đến bệnh viện thăm khám định kỳ để được cấp thuốc. Hôm nay ông được nhân viên y tế của bệnh viện hướng dẫn ông cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID…
Sau khi đăng nhập mã thẻ BHYT trên ứng dụng, chỉ trong sáng cùng ngày thẻ BHYT được tích hợp ngay trên ứng dụng. “Mấy lần trước đi khám phải tìm thẻ BHYT, sổ khám bệnh, nhiều hôm để đâu tôi không nhớ, phải mất thời gian tìm. Giờ đi khám bệnh tay không, chỉ cầm theo điện thoại thông minh này, rất hay. Tôi nghĩ cần triển khai rộng rãi đến nhiều người dân hơn vì quá tiện lợi”, ông D. nói.
Không chỉ riêng tại Bệnh viện Nhân dân 115, hàng loạt bệnh viện tại TP.HCM cũng đang gấp rút triển khai hướng dẫn người bệnh sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNelD như: Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM… Thống kê của Sở Y tế TP.HCM tính đến đầu tháng 11-2024, TP.HCM đã có hơn 1 triệu sổ sức khỏe điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID, ngoài ra còn có 58.455 giấy hẹn tái khám và 5.851 giấy chuyển tuyến tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Còn tại Hà Nội, các bệnh viện cũng đã tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT qua VNeID, người dân không cần mang theo căn cước công dân (CCCD) hoặc thẻ BHYT vẫn có thể làm thủ tục khám bệnh.
Chị Loan (30 tuổi, Hà Nội) rất hào hứng khi xem các thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Gần đây nhất có đi khám răng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trên sổ sức khỏe điện tử của chị đã cập nhật hết các thông tin liên quan đến đợt khám chữa bệnh.
“Từ việc sinh con ngày nào, mổ thường hay mổ đẻ, dùng loại thuốc gì… đều đã có thông tin trên sổ sức khỏe điện tử. Tôi có thể tự tra cứu các thông tin khám chữa bệnh của mình mà không phải lục lại các giấy tờ. Như vậy sau này khi đi khám tại các bệnh viện khác tôi có thể trao đổi về tiền sử bệnh của mình cho bác sĩ điều trị hoặc cho bác sĩ xem các thông tin khám chữa bệnh trước đó”, chị Loan nói.
Cả người bệnh và bệnh viện hưởng lợi
Trực tiếp hướng dẫn cho người bệnh, điều dưỡng trưởng khoa khám bệnh Phạm Chí Linh (Bệnh viện Nhân dân 115) cho hay không chỉ riêng người bệnh tiện lợi mà còn giúp nhân viên y tế giảm bớt áp lực. Khâu làm thủ tục cho người bệnh nhanh hơn, nhân viên y tế có nhiều thời gian chăm sóc người bệnh.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhân dân 115, cho hay bệnh viện bắt đầu triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID bắt đầu từ năm 2023. Với đặc thù tỉ lệ bệnh nhân lớn tuổi nhiều, do đó ban đầu việc triển khai cũng còn nhiều khó khăn.
“Nhưng nhờ quyết liệt triển khai đến nay đã có 99,1% người bệnh đến bệnh viện khám không cần phải dùng sổ khám bệnh mà chỉ cần CCCD và ứng dụng VNeID. Chúng tôi quyết tâm chuyển đổi số và đang chia theo từng lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu 100% người bệnh có hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID”, bác sĩ Hải nói.
Theo ông, khi triển khai việc này lợi ích rất lớn khi mang lại cho người dân như giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, ùn tắc khi đi khám bệnh, tiết kiệm được chi phí đi lại và có thể kiểm tra lịch sử khám chữa bệnh của mình bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng tiết kiệm thời gian thu thập thông tin quá trình điều trị của người bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp, bệnh viện sẽ sàng lọc bệnh tốt hơn, sẽ đúng người, đúng bệnh chứ không có chuyện dùng thẻ người khác để đi khám bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng cho rằng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID sẽ giúp các cơ sở y tế chia sẻ dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân dễ dàng.
“Đặc biệt việc số hóa này sẽ giảm thiểu việc người dân phải mang theo giấy tờ, có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời. Sẽ có thông tin để chủ động trong việc phòng bệnh, giảm chi phí. Ứng dụng cũng cung cấp cho bác sĩ đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó bác sĩ chăm sóc sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn”, lãnh đạo bệnh viện cho hay.
Cần mở rộng cho cả nước
Khẳng định việc triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID mang lại nhiều lợi ích, song bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ bệnh viện cũng gặp khó khăn. Đơn cử trong việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID với trẻ em từ sơ sinh đến dưới 16 tuổi, trẻ chưa làm CCCD nên chưa cài đặt VNeID nên chưa thể liên thông.
Ông Hùng đề xuất cần có giải pháp để giúp trẻ chưa có thẻ CCCD có thể sử dụng VNeID. Ngoài ra tại bệnh viện có đến trên 50% bệnh nhi đến từ các tỉnh phía Nam, toàn quốc. Nếu triển khai chỉ ở TP.HCM, các tỉnh chưa triển khai sẽ không có hiệu quả. Do vậy phải triển khai đồng bộ trên cả nước.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Sóng, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng phải triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID ở nhiều tỉnh thành khác, không riêng ở TP.HCM. Bởi phần lớn bệnh nhân của các bệnh viện của TP.HCM là đến từ các địa phương khác. “Vì vậy phải đồng bộ tại các tỉnh, nếu mô hình này chỉ triển khai ở TP.HCM thì không mang lại hiệu quả thiết thực”, ông Sóng đánh giá.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được nhiều thắc mắc của cơ sở y tế trong khi triển khai. Từ tháng 6 đến tháng 10-2024, Bộ Y tế đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID.
Đến nay Bộ Y tế đã ban hành các văn bản liên quan quy chuẩn, định dạng dữ liệu, giám định, thanh toán… Đồng thời triển khai thí điểm giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến BHYT điện tử trên ứng dụng VNeID và ký số trên file XML.
“Sổ sức khỏe điện tử được sử dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân được cấp giấy phép hoạt động và sử dụng cho tất cả các loại hình khám bệnh ngoại trú, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú, điều trị ban ngày, kê đơn lĩnh thuốc theo hẹn, khám chữa bệnh từ xa”, Cục Công nghệ và Đào tạo cho hay.
12 tỉnh thí điểm ra sao?
Theo Cục Công nghệ và Đào tạo, sổ sức khỏe điện tử thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố. Báo cáo mới nhất đã có 5/12 tỉnh thành ban hành kế hoạch triển khai sổ sức khỏe điện tử; 4/12 đơn vị đang trình UBND tỉnh và 3/12 tỉnh đang xin ý kiến các đơn vị liên quan.
Có 12/12 tỉnh (đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu lên BHXH, 1/12 tỉnh thành (TP.HCM) đạt 97,57% dữ liệu liên thông cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh, xét nghiệm; 1/12 tỉnh (Quảng Nam) liên thông dữ liệu chưa đảm bảo đồng bộ dữ liệu lên cổng BHXH. TP.HCM đã thí điểm triển khai chuyển tuyến, hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID tại 3 bệnh viện.
Đồng bộ kết quả xét nghiệm trên VNeID
Đại diện Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) cho hay Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Công an, BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan tích hợp thông tin tiêm chủng. Đơn vị cũng đang lập kế hoạch để triển khai thí điểm trục liên thông dữ liệu, trong đó sẽ đồng bộ kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh trên VNeID.
Theo đại diện này, hiện các kết quả xét nghiệm đã được các bệnh viện cập nhật lưu trữ điện tử, tuy nhiên chưa có nền tảng để dùng chung. Vì vậy việc liên thông dữ liệu trên VNeID sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả người bệnh và bệnh viện. Những kết quả xét nghiệm, chụp chiếu sẽ giúp bác sĩ có ngay thông tin ban đầu để chẩn đoán bệnh lý cho người bệnh; hạn chế được tình trạng phải xét nghiệm, chụp chiếu nhiều lần.
Hơn 32 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), hiện nay không quy định cụ thể về thời gian phê duyệt hồ sơ.
Khi tiếp nhận thông tin BHYT người dân cập nhật lên VNeID, dữ liệu này sẽ được chuyển sang cơ quan BHXH kiểm duyệt, xác nhận thông tin nên sẽ mất thời gian. Trong trường hợp thông tin chính xác, đã có sẵn dữ liệu của BHXH Việt Nam thì quá trình xác thực sẽ rất nhanh.
Đến nay hơn 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử đã được tạo lập cho người dân, trong đó có hơn 14 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Việt Nam đang đặt mục tiêu sau 2025, mỗi người dân có một sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
■ Cần Thơ: Quét mã QR khám bệnh
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bằng cách quét mã QR trên CCCD hoặc trên VNeID cấp độ 2 (trường hợp đã tích hợp BHYT vào VNeID thành công, có đủ dữ liệu và không bị lỗi hay sai sót). Hiện tại 100% cơ sở y tế ở Cần Thơ đã triển khai tiếp nhận người bệnh khám chữa bệnh thông qua máy quét QR trên thẻ CCCD.
Như vậy khi người dân có nhu cầu khám chữa bệnh, chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip (đã được tích hợp đầy đủ thông tin) thì không cần phải mua sổ khám bệnh. Khi đi khám bệnh, người bệnh không cần mang theo nhiều giấy tờ; giảm bớt thủ tục, đồng thời tiết kiệm thời gian.
■ Đồng Nai: Triển khai sớm, nhưng hiệu quả chưa cao
Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết đơn vị đã thực hiện đăng ký khám chữa bệnh bằng VNeID từ tháng 3-2022. Tuy nhiên số lượng bệnh nhân đăng ký trên ứng dụng này không nhiều.
Tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai chỉ có khoảng 10 – 15% lượng bệnh nhân (trên tổng số khoảng 700 lượt bệnh nhân/ngày) đăng ký khám chữa bệnh thông qua ứng dụng VNeID. Theo bà Trâm, việc người bệnh ít sử dụng VNeID do nhiều người bệnh cũng có khó khăn như không có điện thoại thông minh; người lớn tuổi dễ quên mật khẩu, thao tác khó khăn; sóng WiFi yếu không mở được ứng dụng; lo ngại về bảo mật thông tin…
■ Đà Nẵng: Chỉ cần mang theo điện thoại
Một số bệnh viện tại Đà Nẵng đã đưa vào ứng dụng sổ sức khỏe điện tử VNeID khá hiệu quả. Tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, việc ứng dụng tiện ích này đang được đẩy mạnh. Người bệnh đi khám chữa bệnh nếu đã đăng ký định danh mức 2 trên ứng dụng VNeID, khi xuất trình sổ sức khỏe điện tử VNeID trên điện thoại thông minh có thể tra cứu được rõ lịch sử khám chữa bệnh của mình.
Người đi khám bệnh chỉ cần mang theo điện thoại thông minh. Tuy nhiên đối với các bệnh nhân lớn tuổi đến khám chữa bệnh, không sử dụng được điện thoại thông minh và khả năng thao tác trên ứng dụng còn hạn chế nên vẫn gặp nhiều trở ngại.
■ Hà Nội: Năm 2025, 100% cơ sở sử dụng sổ sức khỏe điện tử
Theo kế hoạch tại Hà Nội đến ngày 20-11, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ có mã, được cấp tài khoản liên thông sổ sức khỏe điện tử. Đồng thời được tập huấn hướng dẫn liên thông dữ liệu lên cổng tiếp nhận giám định BHYT.
Ở giai đoạn 2 sẽ kết nối và chia sẻ dữ liệu sổ sức khỏe điện tử VNeID từ cơ sở khám chữa bệnh lên cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và người dân trên địa bàn sử dụng sổ sức khỏe điện tử.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Người bệnh gout ăn uống, sinh hoạt thế nào ngày Tết 28/01/2025
- Mẹo giảm say xe khi đi lại ngày Tết 25/01/2025
- Bác sĩ cảnh báo nguy cơ suy tim cấp vào dịp tết 24/01/2025
- Du xuân dịp Tết nên mang thuốc gì, chuẩn bị ra sao? 23/01/2025
- Những loại ung thư nam giới nên tầm soát 22/01/2025
There are no comments yet