Lý do nam giới mắc gout cao gấp 10 lần nữ giới
Bệnh gout đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh gout ở nam cao gấp nhiều lần so với nữ, nguyên nhân phần lớn do sinh lý và lối sống.
Gout (thống phong) là một dạng viêm khớp đặc trưng bởi sự lắng đọng tinh thể urat tại các khớp, gây đau dữ dội, sưng đỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Đây là căn bệnh chuyển hóa phổ biến, đặc biệt ở những người có nồng độ acid uric trong máu cao. Điều đáng chú ý là bệnh gout không phân bố đồng đều giữa hai giới. Nhiều nghiên cứu quốc tế và trong nước cho thấy tỷ lệ mắc gout ở nam giới cao gấp nhiều lần so với phụ nữ. Vậy nguyên nhân của sự chênh lệch này là gì?

Tỷ lệ mắc bệnh gout: Nam giới chiếm phần lớn
Dữ liệu toàn cầu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh gout ở nam giới cao hơn đáng kể so với phụ nữ. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học danh tiếng The Lancet năm 2020, nam giới có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn 3,26 lần so với nữ giới. Trong khi đó, một số nghiên cứu dịch tễ học khác thậm chí còn cho thấy sự chênh lệch có thể lên tới 10 lần, tùy vào từng khu vực và nhóm dân cư.
Tại Việt Nam, một khảo sát tại Phòng khám Y học Gia đình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghi nhận rằng tỷ lệ tăng acid uric máu – yếu tố nguy cơ chính của bệnh gout – ở nam giới là 43,6%, trong khi ở nữ giới chỉ là 26,4%. Tỷ lệ mắc gout thực tế ở nam là 9,1%, trong khi ở nữ chỉ ở mức 1,6%. Những con số này phản ánh xu hướng rõ rệt: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với nữ.
Nguyên nhân sinh học: Nội tiết tố đóng vai trò bảo vệ ở nữ giới
Một trong những lý do chính khiến phụ nữ ít mắc gout hơn là do sự khác biệt về sinh lý và nội tiết tố. Cụ thể, nồng độ acid uric trong máu ở nam giới thường cao hơn khoảng 60 µmol/L so với nữ. Điều này một phần đến từ việc nam giới có tốc độ phân hủy purin nhanh hơn, trong khi chức năng đào thải acid uric qua thận không vượt trội hơn phụ nữ.
Đặc biệt, hormone estrogen ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có vai trò hỗ trợ thận đào thải acid uric hiệu quả hơn. Nhờ vậy, nồng độ acid uric trong máu của họ thường được duy trì ở mức an toàn. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm mạnh, khiến khả năng đào thải acid uric suy giảm, từ đó làm tăng nguy cơ mắc gout ở phụ nữ lớn tuổi. Điều này lý giải vì sao phụ nữ hiếm khi mắc bệnh gout trước tuổi 50, nhưng tỷ lệ tăng đáng kể sau mãn kinh.
Yếu tố lối sống: Thói quen ăn uống và sử dụng rượu bia
Không thể không nhắc đến các yếu tố lối sống góp phần vào sự chênh lệch giữa hai giới. Nam giới thường có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purin – chất chuyển hóa thành acid uric – hơn nữ giới. Thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, bia rượu là những tác nhân làm tăng acid uric và thúc đẩy quá trình hình thành tinh thể urat tại khớp.

Ngoài ra, việc uống rượu, đặc biệt là bia – vốn chứa nhiều purin và làm suy giảm chức năng đào thải acid uric của thận – cũng phổ biến hơn ở nam giới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout nhiều hơn các loại đồ uống có cồn khác.
Gout không chỉ là “bệnh của nhà giàu”
Dù tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ thấp hơn, nhưng không vì thế mà họ có thể chủ quan. Phụ nữ sau mãn kinh và những người có chế độ ăn uống không lành mạnh vẫn có thể trở thành đối tượng nguy cơ. Gout ở nữ giới thường bị chẩn đoán muộn hơn do biểu hiện không điển hình, dẫn đến việc điều trị không kịp thời và nguy cơ biến chứng cao.
Thêm vào đó, bệnh gout không còn là bệnh “giàu” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ngày nay, nó xuất hiện ở cả người lao động, người trẻ tuổi do thói quen ăn uống mất cân bằng, lạm dụng bia rượu, ít vận động và thừa cân béo phì.
Giải pháp phòng ngừa gout
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh gout cần được thực hiện ở cả hai giới, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, tăng acid uric máu, béo phì hoặc mắc bệnh chuyển hóa như tăng huyết áp, tiểu đường.
Một số biện pháp hữu hiệu bao gồm:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì làm tăng sản xuất và giảm đào thải acid uric.
- Hạn chế thực phẩm giàu purin: Như thịt đỏ, hải sản, nội tạng.
- Hạn chế bia rượu: Đặc biệt là bia – tác nhân hàng đầu gây tăng acid uric.
- Uống đủ nước: Giúp thận đào thải acid uric tốt hơn.
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Tăng cường chuyển hóa, kiểm soát cân nặng và huyết áp.
Việc nâng cao nhận thức, thay đổi lối sống và tầm soát acid uric định kỳ là giải pháp quan trọng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Theo: suckhoedoisong.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- 8 dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu canxi cần bổ sung ngay 10/05/2025
- Những dấu hiệu thiếu máu não 09/05/2025
- 10 dấu hiệu có thể là ung thư dễ nhầm lẫn với bệnh khác 08/05/2025
- Vì sao phụ nữ tuổi mãn kinh khó giảm cân? 07/05/2025
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hẹp thực quản 06/05/2025
There are no comments yet