Năm vấn đề sức khỏe sau Tết
Những ngày Tết đã qua và bắt đầu những ngày học tập, làm việc đầu tiên của năm mới. Nhưng những vấn đề sức khỏe do dịp Tết sinh hoạt theo cách đặc biệt vẫn còn. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga) nói:
A. Năm thói quen xấu trong sinh hoạt ngày Tết
1. Sử dụng rượu, bia, thuốc lá nhiều hơn bình thường
2. Uống ít nước, ăn mặn, quá nhiều thịt và đồ ăn chế biến sẵn, ăn ít rau củ quả
3. Ít vận động, bỏ tập thể dục
4. Thức khuya, bỏ bữa, nhiễm lạnh
5. Quên uống thuốc, ngại đi khám bệnh
B. Năm vấn đề về sức khỏe toàn thân dễ gặp phải
1. Mất nước: do ăn mặn, do dùng nhiều rượu, bia, cà phê… khiến cơ thể mất nước nhưng lại không được bù đắp đủ khiến da khô, môi khô, người mệt, nhịp tim nhanh…
2. Suy chức năng gan: do ăn quá nhiều đồ ăn, do dùng nhiều đồ uống có cồn khiến gan làm việc quá sức, gây suy giảm chức năng gan, dẫn đến chán ăn, mệt mỏi, uể oải, men gan tăng cao, có thể vàng da…
3. Ngộ độc rượu, bia: do lạm dụng đồ uống có cồn khiến gan làm việc quá tải, cơ thể không kịp đào thải chất độc.
4. Dị ứng, bệnh ngoài da: do dùng đồ ăn, thức uống lạ, do khả năng thải độc của gan bị quá tải, có thể xảy ra các phản ứng dị ứng từ nhẹ như ngứa, nổi ban, mày đay… tới nặng như mạch nhanh, huyết áp tụt, co thắt đường thở…
5. Căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ: do ăn uống sinh hoạt không điều độ, ăn quá nhiều chất hoặc bỏ bữa, thiếu chất, cộng thêm việc thức khuya, dùng đồ uống có cồn, bỏ tập thể dục khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, dẫn đến thiếu ngủ, căng thẳng…
C. Năm vấn đề về tiêu hóa thường gặp sau Tết
1. Viêm tụy cấp: thường xảy ra sau bữa ăn thịnh soạn với triệu chứng là cơn đau đột ngột, dữ dội vùng thượng vị, thường lan ra sau lưng. Bệnh dễ gặp trên người bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu, lạm dụng rượu, sỏi mật…
2. Viêm loét dạ dày, hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản: thường xảy ra trên người bệnh đã từng mắc các chứng bệnh này, do ăn uống thất thường, lạm dụng rượu, bia cộng với tình trạng căng thẳng, thời tiết lạnh khiến dạ dày rối loạn tiết dịch, rối loạn co thắt đường tiêu hóa khiến bệnh nhân xuất hiện những cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng… nặng hơn có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa.
3. Ngộ độc thực phẩm: do ăn nhiều đồ ăn lạ, do đồ ăn cũ bị ôi thiu, do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bệnh nhân thường có biểu hiện buồn nôn và nôn, đi lỏng, đau quặn bụng, mệt mỏi do nhiễm độc, mất nước và điện giải, có thể sốt…
4. Chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón: Do ăn uống thất thường, dùng nhiều loại thực phẩm lẫn lộn khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, có thể gây ra ậm ạch, đầy bụng, khó tiêu, thậm chí táo bón.
5. Hội chứng ruột kích thích (rối loạn co thắt đại tràng): do ăn uống không điều độ, sử dụng thực phẩm cũ hoặc những loại đồ ăn lạ… khiến rối loạn co thắt đại tràng, gây đi lỏng hoặc đi ngoài nhiều lần, đau quặn vùng bụng dưới từng cơn…
D. Năm vấn đề về bệnh mạn tính
Do sinh hoạt không điều độ, ăn ngủ thất thường, bỏ không uống thuốc… khiến các bệnh đang có diễn biến nặng hơn. Dịp Tết các bệnh mạn tính sau có thể xuất hiện hoặc nặng thêm:
1. Tăng huyết áp: Thói quen ăn nhiều, ăn mặn ngày Tết ảnh hưởng nhiều đến bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể quên không uống thuốc, căng thẳng và mất ngủ cộng với thời tiết lạnh khiến mạch máu co thắt, làm tình trạng bệnh nặng nề hơn.
2. Đột quỵ: thường xảy ra trên nền bệnh nhân có bệnh mạn tính như xơ vữa mạch máu, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp… do ít vận động, dùng rượu, bia hoặc có thể do quên uống thuốc, thay đổi nhiệt độ đột ngột… khiến bệnh nhân yếu hoặc liệt 1/2 người, nói ngọng hoặc nói khó, mặt bị méo sang một bên, có thể lơ mơ, mất ý thức hoặc thậm chí hôn mê.
3. Nhiễm khuẩn đường hô hấp: thường xảy ra trên bệnh nhân có sức đề kháng yếu hoặc đang có sẵn các bệnh hô hấp như viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… kết hợp với việc không giữ ấm cơ thể, nhiễm lạnh sau khi uống rượu, bia…
4. Tăng đường huyết, tụt đường huyết: đối với bệnh nhân đái tháo đường có thể xảy ra tình trạng tăng đường huyết (mệt mỏi, thể lực giảm, lơ mơ…) hoặc tụt đường huyết (lơ mơ, vã mồ hôi lạnh) do ăn uống không điều độ, quá nhiều chất hoặc lạm dụng rượu, bia, bỏ bữa.
5. Cơn gout cấp: cũng thường xảy ra trên bệnh nhân gout, do ăn uống không điều độ khiến gan và thận quá tải, nồng độ acid uric trong máu tăng cao khiến bệnh nhân có thể bị đau dữ dội các khớp.
E. Năm biện pháp điều chỉnh sinh hoạt để đảm bảo sức khỏe dịp sau Tết
1. Hạn chế rượu, bia, thuốc lá, cà phê
2. Ăn nhiều rau, hạn chế thịt và đồ chế biến sẵn, ko ăn đồ ăn cũ.
3. Giữ ấm, không bỏ bữa nhưng cũng không nên ăn no quá, ăn nhạt, uống đủ nước, ngủ đủ giấc.
4. Chịu khó vận động nhẹ nhàng, ngày 2 lần, mỗi lần 20-30 phút.
5. Tuyệt đối tuân thủ việc uống thuốc, nếu có biểu hiện bất thường cần đi khám ngay.
Nguồn: tuoitre.vn
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet