Ngồi hơn 6 tiếng mỗi ngày, dân văn phòng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch
Ngồi từ 6 - 8 tiếng một ngày, ít vận động, dân văn phòng là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch khi tiến triển nặng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, trong khi có thể phòng ngừa bệnh từ giai đoạn sớm.
Suy giãn tĩnh mạch ở người trẻ
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy giãn tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.
Anh B.V.L. (29 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện thăm khám do thường xuyên nhức mỏi chân, chuột rút về đêm. Anh chia sẻ đang làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngoài thời gian làm 8 tiếng tại công ty, anh còn nhận thêm công việc thiết kế làm tại nhà.
“Có những ngày tôi phải ngồi đến 12 tiếng. Ban đầu chỉ là thấy chân tê bì khó chịu, nhưng sau đó thấy chân ngày càng đau nhức, đặc biệt chiều và đêm chân đau nhức nhiều hơn, chuột rút, khó ngủ. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị suy giãn tĩnh mạch cả hai chân”, anh L. chia sẻ.
Còn chị N.T.M. (33 tuổi, Hà Nội) cũng đến viện trong tình trạng chân luôn đau mỏi, nổi gân xanh. Chị cho hay do tính chất công việc văn phòng nên chị thường xuyên ngồi nhiều, ít đi lại, chị cũng thường xuyên đi dép cao, mặc quần bó sát.
Ban đầu chỉ nghĩ do thiếu canxi nên chị cố gắng bổ sung thêm thực phẩm chức năng nhưng tình trạng không cải thiện. Sau khi thăm khám, chị M. được bác sĩ chẩn đoán mắc suy giãn tĩnh mạch.
“Tôi tưởng chỉ người cao tuổi mới mắc bệnh này, không ngờ mình cũng mắc bệnh. May mắn, tôi vẫn chưa ở giai đoạn nặng nên chỉ dùng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường vận động chứ chưa phải can thiệp phẫu thuật”, chị M. chia sẻ.
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, triệu chứng suy giãn tĩnh mạch thường âm thầm, không rõ ràng, vì vậy thường bị bỏ qua ở giai đoạn đầu dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Suy giãn tĩnh mạch ở người trẻ cũng có xu hướng tăng cao hơn trong thời gian gần đây.
Tại sao người mắc thường là dân văn phòng?
Theo bác sĩ Mạnh, những người có nguy cơ mắc bệnh là người béo phì, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và do yếu tố nghề nghiệp.
Những nghề nghiệp thường xuyên phải đứng lâu, ngồi lâu như dân văn phòng, thợ may, dệt, giáo viên… sẽ có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch cao hơn.
“Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi giãn tĩnh mạch chân là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra.
Dân văn phòng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch là do hạn chế vận động, ngồi cả ngày 6 đến 8 tiếng, không đảm bảo cho máu lưu thông thuận lợi, tĩnh mạch ứ máu. Bên cạnh yếu tố ngồi nhiều, ít vận động, nhiều bạn nữ đi giày cao gót, mặc quần chật… cũng làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Đặc biệt dân văn phòng còn thường bị tình trạng thiếu nước. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ dẫn đến táo bón, máu cô đặc hơn dẫn đến ngoài các bệnh lý về tim mạch cũng gây nên suy giãn tĩnh mạch chân”, bác sĩ Mạnh nêu rõ.
Ngoài ra, người làm văn phòng mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch.
Theo TS Nguyễn Huy Hoàng, khoa chẩn đoán chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phụ nữ mang thai thông thường trong khoảng thời gian này tử cung lớn dần lên, chèn ép vào các mạch máu lớn của ổ bụng (chủ yếu là phía bên phải) dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch ở chân.
Bên cạnh đó, khi mang thai, thể tích máu trong cơ thể nhiều hơn làm tăng gánh nặng lên hệ tuần hoàn. Đồng thời hàm lượng hormone progesterone cũng tăng dần về cuối thai kỳ, gây giãn thành mạch. Tuy nhiên sau khi sinh, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm dần và hiện nay cũng có rất nhiều phương pháp điều trị.
Diễn biến âm thầm, nguy hiểm khôn lường
Theo bác sĩ Mạnh, diễn biến của suy giãn tĩnh mạch rất âm thầm nên người bệnh khó phát hiện ra ở giai đoạn sớm mà chỉ khi có những biểu hiện bên ngoài mới phát hiện ra.
Những biểu hiện thường gặp ở người suy giãn tĩnh mạch như nổi gân xanh, đỏ, đau mỏi, có chuột rút, tê bì… Càng về chiều càng về tối sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm. Thường mọi người không nghĩ mình mắc suy giãn tĩnh mạch mà nghĩ rằng do thiếu canxi. Vì vậy thường đến viện trong tình trạng nặng.
Theo bác sĩ Hoàng, suy giãn tĩnh mạch có thể gây ngứa hay đau, thậm chí chảy máu (do da vùng này trở nên mỏng và dễ tổn thương) nhưng đây không phải là bệnh cấp tính, chưa gây hại ngay lập tức trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, tỉ lệ bệnh nhân giãn tĩnh mạch có xuất hiện cục máu đông gần bề mặt da (huyết khối tĩnh mạch nông) cũng không cao. Khi hình thành huyết khối, khu vực quanh chỗ giãn tĩnh mạch trở nên nóng, đỏ và đau hơn.
Mặc dù huyết khối tĩnh mạch nông thường không quá nguy hiểm, nhưng khi tổ chức xung quanh huyết khối bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần phải được điều trị ngay bằng kháng sinh.
Đặc biệt, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt nếu một trong hai chân sưng to bất thường, có vết loét hoặc vùng da gần tĩnh mạch đổi màu.
Cẩn trọng huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, thậm chí dẫn tới tử vong. Nếu không được điều trị, cục máu đông hoàn toàn có thể di chuyển lên cao, gây tắc mạch phổi và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Phòng bệnh thế nào?
Bác sĩ Mạnh nêu rõ suy giãn tĩnh mạch có 6 giai đoạn. Trong đó, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm nhất có thể điều trị đơn giản bằng cách thay đổi lối sống.
Chủ động đi lại nhiều hơn, tập luyện thể thao (bơi lội, đi bộ, đạp xe…), uống bù nước đủ, bổ sung chất xơ, trái cây có chứa vitamin E, C.
Nặng hơn một chút có thể điều trị bằng một số thuốc nội khoa có thành phần tăng sức bền của thành mạch, kết hợp với đi tất áp lực bảo vệ tĩnh mạch. Tình trạng nặng nhất phải can thiệp phẫu thuật.
Do bệnh diễn biến âm thầm, khó nhận biết nên tốt nhất bạn nên phòng bệnh một cách chủ động bằng cách thay đổi lối sống.
Ví dụ có thể hẹn giờ sau khoảng 45 phút đến 1 tiếng, có thể đứng dậy đi uống nước, vận động nhẹ nhàng, xoay khớp cổ chân, cổ tay, hạn chế đi giày cao gót, mặc quần bó sát… tăng cường lưu thông máu từ chân về tim. Hằng ngày dành ra 30 phút để tập thể dục nhẹ nhàng. Giảm cân nặng để phòng tránh nguy cơ.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet