Người cao tuổi ở TP.HCM đang mắc bệnh gì nhiều nhất?
Người cao tuổi đang sinh sống tại TP.HCM mắc nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó đứng đầu là tăng huyết áp, chiếm 52,27%.
Con số thống kê có được từ việc triển khai kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 – 2025 và những năm tiếp theo vừa được UBND TP.HCM ban hành, ngành y tế TP chủ trì thực hiện.
Theo số liệu được Sở Y tế TP.HCM công bố, có 13.773 người trong tổng số 20.079 người cao tuổi thuộc 49 phường, xã được khám sức khỏe và tầm soát bệnh. Trong số này, người có độ tuổi 60 – 69 tuổi chiếm đa số với 61,41% và nữ giới chiếm 62,7%.
Kết quả xác định bệnh lý người cao tuổi đang sinh sống tại TP.HCM mắc phải nhiều nhất hiện nay vẫn là tăng huyết áp với 7.199 người (chiếm 52,27%), kế đến đái tháo đường với 2.070 người (chiếm 15,03%), hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với 367 người (chiếm 2,66%), tiền sử ung thư với 170 người (chiếm 1,23%).
Theo ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM, điều đáng ghi nhận, qua khám sức khỏe còn ghi nhận số trường hợp mới được phát hiện tăng, gồm 1.025 người cao huyết áp, 2.060 người có chỉ số đường huyết cao, 168 trường hợp nghi hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 360 người có dấu hiệu nghi ngờ ung thư được giới thiệu bệnh viện tuyến trên chẩn đoán xác định.
Đặc biệt, qua khám sức khỏe còn phát hiện 420 người có dấu hiệu trầm cảm và 295 người có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng. Về các dấu hiệu suy yếu thể lực, ngành y tế ghi nhận 2.277 người có dấu hiệu tiền suy yếu, 69 người suy yếu và 2.727 người có nguy cơ té ngã.
Bên cạnh đó, ghi nhận 231 người phụ thuộc (người khác) trong các hoạt động sống cơ bản hằng ngày như tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển; 874 người phụ thuộc trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ…
Theo ông Thượng, đây chỉ là nhận diện bước đầu về mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM.
“Việc nhận diện này mang ý nghĩa rất quan trọng giúp xác định được mô hình bệnh tật, từ đó đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với sức khỏe người dân, đặc biệt người cao tuổi” – ông Thượng khẳng định.
Người cao tuổi được khám sức khỏe mỗi năm một lần
Kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 – 2025 và những năm tiếp theo được ngành y tế manh nha chuẩn bị từ lâu và được hiện thực hóa bằng quyết định do UBND TP.HCM ban hành đầu tháng 7-2023.
Theo đó, TP.HCM ước chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.
Đây cũng là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.
Để hiện thực hóa mong muốn trên, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi xây dựng kế hoạch và thống nhất các nội dung khám sức khỏe, tầm soát các bệnh mạn tính không lây cho nhóm đối tượng ưu tiên hướng tới mục tiêu là tất cả người cao tuổi đều được khám sức khỏe 1 lần/năm.
Theo: tuoitre.vn
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- 5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay 23/11/2024
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
There are no comments yet