Người phụ nữ 2 lần chiến thắng bệnh ung thư
Sau mổ tuyến giáp được 7 tháng, nữ bệnh nhân được phát hiện mắc ung thư biểu mô tuyến phải cắt tử cung, tai vòi và 2 buồng trứng.
Ngày 9.8, nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết bệnh viện vừa mổ cắt tử cung, tai vòi và buồng trứng cho nữ bệnh nhân tên M. (49 tuổi) vì bị ung thư biểu mô tuyến, một dạng ung thư nội mạc tử cung, giai đoạn 1A.
Gia đình có đến 3 người mắc ung thư
Theo bệnh sử, cuối năm 2022, bệnh nhân đi khám sức khỏe tại một bệnh viện ở TP.HCM phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú, giai đoạn 1B và được chỉ định cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, nạo hạch vì u không xâm lấn ra ngoài phạm vi tuyến giáp. Sau mổ, bệnh nhân chỉ uống thuốc hóc môn thay thế tuyến giáp.
Những tưởng giải quyết được nỗi lo, bệnh nhân tự tin đi làm, đi du lịch. Nhưng 5 tháng sau mổ tuyến giáp thì bệnh nhân bị rong kinh và đi khám chuyên khoa sản. Bệnh nhân được bác sĩ cho uống thuốc nội tiết kéo dài 3 tuần, nhưng không khả quan.
Đi khám tiếp theo tại Trung tâm sản phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân được tầm soát bằng cách chụp MRI tiêm chất cản quang. Kết quả cho thấy tử cung bệnh nhân có khối u bất thường nghi ngờ ung thư. Kết quả sinh thiết niêm mạc tử cung là ung thư biểu mô tuyến, một dạng ung thư nội mạc tử cung, giai đoạn 1A.
Bệnh nhân cho biết, ung thư là nỗi ám ảnh của gia đình bà. Bố bà từng bị ung thư xương đã mất 15 năm. Năm 2018, anh trai bà không may mắc ung thư tụy rồi mất. Nay đến lượt bà thì phát bệnh 2 loại ung thư. “Nhà còn mẹ già và 2 chị gái chưa đi tầm soát vì tâm lý sợ”, bệnh nhân tâm sự.
Nhưng bệnh nhân cương quyết sẽ động viên mẹ và 2 chị gái đi tầm soát. Bởi xác suất bệnh ác tính tấn công gia đình quá nghiệt ngã, không gì đảm bảo những người thân còn lại không mắc bệnh.
PGS-TS Phạm Hùng Cường, Phó giám đốc chuyên môn, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải thích, một số loại ung thư liên quan nhiều đến yếu tố di truyền như ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng.
Mặc dù, gia đình bệnh nhân M. có nhiều người mắc bệnh ác tính, nhưng theo y văn, nghiên cứu không thấy có yếu tố di truyền ở trường hợp này.
“Một người bị mắc 2 ung thư cùng lúc có thể xảy ra. Xác suất cao hơn nếu một trong hai là dạng ung thư phổ biến. Chúng tôi đã gặp một số trường hợp phụ nữ cùng lúc mắc bệnh ác tính vú và tuyến giáp. Trường hợp mang 2 bệnh như bệnh nhân M. thì ít gặp, nhưng vẫn có xác suất xảy ra vì tuyến giáp nằm trong tốp 10 ung thư phổ biến ở Việt Nam”, PGS-TS Cường giải thích.
Để điều trị cho bệnh nhân vừa trải qua mổ tuyến giáp, bệnh viện tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa và bác sĩ tư vấn cắt tử cung, tai vòi và 2 buồng trứng.
Bệnh nhân “mất cả gia tài”, nhưng được điều trị bệnh triệt để
Ngày 28.7, bác sĩ CK.II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm sản phụ khoa trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân M., cắt tử cung, tai vòi và 2 buồng trứng để điều trị triệt để. Một ngày sau mổ, bệnh nhân bắt đầu tập đi, tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn…
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, tử cung gắn chặt với vòi trứng, tế bào ác tính có thể theo tai vòi đi ra ngoài. Trường hợp bệnh nhân này gần sát tuổi mãn kinh, nên cắt buồng trứng dự phòng không phải mắc thêm ung thư buồng trứng, một bệnh ác tính thường gặp ở phụ nữ Việt Nam.
“Hệ thống nội tiết nữ giới gồm các tuyến yên, giáp, cận giáp, thượng thận, tụy và buồng trứng. Khi không còn buồng trứng, đồng nghĩa lượng estrogen, progesterone cơ thể bệnh nhân sẽ giảm dần, thời kỳ mãn kinh đến sớm. Bệnh nhân không chỉ đánh đổi sức khỏe qua 2 cuộc đại phẫu liên tiếp, còn nguy cơ hứng chịu biến chứng mãn kinh: cáu gắt, thay đổi tâm trạng, tăng cân, thay đổi sắc tố da, khô âm đạo, nguy cơ loãng xương…”, bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Còn nữ bệnh nhân M. chia sẻ sau cuộc mổ: Vì là phụ nữ, tôi có chút buồn, e ngại khi “mất hết gia tài” sau ca mổ. Giờ tôi cũng không sợ việc mất sắc đẹp, tăng cân, quan trọng là phải sống khỏe để chăm lo cho mẹ. Tôi có niềm tin mình sẽ chiến thắng bệnh “K cộng” vì phát hiện bệnh giai đoạn sớm và lựa chọn phương án phẫu thuật triệt để để ngăn ngừa ung thư.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, ung thư nội mạc tử cung chiếm khoảng 6-8% trong các loại ung thư ở nữ giới. Nếu phát hiện bệnh sớm thì điều trị mang lại kết quả cao. Tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 5 năm của nhóm bệnh nhân này vào khoảng 85- 90%.
Ở Việt Nam tỷ lệ mới mắc ung thư nội mạc tử cung là 7,2/100.000 dân và tử vong là 3,3/100.000 dân.
Còn ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư tuyến nội tiết phổ biến. Tại Việt Nam năm 2020 có 5.471 ca mới mắc. Bệnh thường gặp ở nữ giới từ 25 – 65 tuổi. So với các loại u khác, đây là một trong những căn bệnh có tiên lượng rất tốt, tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn mang lại cuộc sống bình thường cho người bệnh rất cao.
Theo: thanhnien.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet