Sở Y tế TPHCM: Các bước triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân
Các bước triển khai đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, phải căn cứ vào các nguồn dữ liệu sẵn có đảm bảo nguyên tắc “đúng - đủ - sạch - sống”, phải kết nối liên thông với các cơ sở khám, chữa bệnh,… giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bản thân mọi lúc mọi nơi.
Ngày 20/04/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1923/QĐ-BYT về Phê duyệt kế hoạch triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT). Căn cứ vào quyết định này, Sở Y tế đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan kịp thời bổ sung và xây dựng phương án kỹ thuật để triển khai HSSKĐT nhằm đảm bảo dữ liệu sức khỏe của người dân ‘đúng – đủ – sạch – sống’ và được liên thông trong toàn bộ các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Ảnh: minh hoạ, nguồn: internet
Cho đến nay, Sở Y tế đã phối hợp với đơn vị tư vấn (thuộc Trung tâm Chuyển đổi số của Thành phố) hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chuẩn bị cho giai đoạn triển khai. Ngoài ra, thực hiện kết luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương về tình hình kinh tế – xã hội quý 1 năm 2024 vừa qua, giao UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên-Huế, Kiên Giang, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh mở rộng việc triển khai thí điểm đối với sổ sức khoẻ điện tử (SKĐT) tương tự mô hình thí điểm của thành phố Hà Nội, mới đây, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm chuyển đổi số và Công an TP.HCM đã thống nhất các nội dung triển khai sổ SKĐT. Theo đó, kết quả đầu ra là thông tin sức khỏe người dân sẽ được hiển thị trên sổ SKĐT của ứng dụng VNeID (theo Quyết định số 1332/QĐ-BYT ngày 21/5/2024 của Bộ Y tế về ban hành sổ SKĐT phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID).
Điều khó khăn gặp phải khi xây dựng phương án tạo lập HSSKĐT là chọn lựa các nguồn dữ liệu sẵn có nào đảm bảo nguyên tắc dữ liệu số “đúng – đủ – sạch – sống”? Điều này mới đây đã được các Sở, ngành liên quan thảo luận và thống nhất, các nguồn dữ liệu sẵn có là : (1) Dữ liệu của người dân tham gia bảo hiểm xã hội; (2) Dữ liệu của người dân tham gia tiêm chủng Covid-19 và chương trình tiêm chủng mở rộng; (3) Dữ liệu dân cư. Ngoài ra, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm phối hợp để thống nhất quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đảm bảo nguyên tắc dữ liệu số “đúng – đủ – sạch – sống” và đồng bộ để phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng của các đơn vị theo quy định của pháp luật trên phạm vi toàn quốc.
Về tạo lập dữ liệu ban đầu trên HSSKĐT, trước mắt, được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ tạo lập dữ liệu ban đầu của HSSKĐT của người dân Thành phố dựa trên nguồn dữ liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19 và dữ liệu tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, dữ liệu sức khỏe của người dân Thành phố sẽ được tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, khởi đầu là nguồn dữ liệu sức khỏe của người cao tuổi (hiện đã có trên 100.000 dữ liệu người cao tuổi). Theo kế hoạch chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, dự kiến sẽ tạo lập dữ liệu ban đầu của HSSKĐT cho 90% người dân TP.HCM.
Về tạo lập dữ liệu sức khoẻ trên HSSKĐT, thông tin sức khỏe của người dân trên HSSKĐT được tích hợp từ dữ liệu khám sức khoẻ của người cao tuổi, dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) của các cơ sở KCB. Ở giai đoạn đầu, Sở Y tế sẽ triển khai đến các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn để thực hiện liên thông kết nối với kho dữ liệu sức khỏe của thành phố.
HSSKĐT cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe (tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh…). Trên cơ sở đó sẽ giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời, giúp tăng cường kết nối giữa các cơ sở y tế, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bệnh nhân. Việc liên thông HSSKĐT sẽ giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bản thân mọi lúc mọi nơi. Việc liên thông HSSKĐT trên toàn TP.HCM và cả nước sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng về hạ tầng, an toàn và bảo mật thông tin và theo lộ trình triển khai chung của Bộ Y tế và Đề án 06 của Chính phủ.
Nguồn: SỞ Y TẾ TP.HCM
Tin khác đã đăng
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
- Biểu hiện của viêm tuyến giáp 15/11/2024
There are no comments yet