U giáp, ung thư tuyến giáp nên giữ hay cắt bỏ?
U tuyến giáp là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng việc điều trị hiện nay không thống nhất, đặc biệt là chỉ định mổ và cho thuốc hormon giáp bị lạm dụng khiến nhiều người "hối hận" thì đã muộn.
Nghe u là sợ, vội mổ rồi hối hận
Chị N.T.H., 42 tuổi (Hà Nội) phát hiện u giáp hai bênTIRADS 5, đường kính > 10 mm. Có bác sĩ khuyên theo dõi, nhưng có bác sĩ khuyên mổ vì nguy cơ ung thư cao. Nghe thấy u là sợ nên cả gia đình quyết định chị mổ.
Mổ cắt toàn bộ tuyến giáp xong, chị không chỉ bị co rút tay chân vì thiếu canxi mà còn phải dùng thuốc nội tiết cả đời, cơ thể luôn yếu, mệt… Chị rất hối hận, chỉ mong thời gian cho quay lại chị sẽ không cắt bỏ tuyến giáp nhưng đã quá muộn.
Nhưng tình trạng hối hận vì vội vã mổ tuyến giáp như chị H. lại không phải là hiếm. TS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết – đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngày nào ông cũng tham vấn rất nhiều cho các bệnh nhân có u tuyến giáp rất nhỏ (< 10 mm), được chọc tế bào có kết quả ung thư tuyến giáp thể nhú.
Ai cũng muốn mổ hoặc đốt hoặc abc… vì đã được các bác sĩ ABC ở bệnh viện từ huyện đến tỉnh, thậm chí cả trung ương, cả công và tư chỉ định “làm sớm”. Thậm chí có bệnh nhân nữ 73 tuổi, chỉ cần có kết quả siêu âm kết luận TIRADS 5 là được chỉ định mổ ngay mà không cần xét nghiệm tế bào.
PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cảnh báo hiện tại nhiều người lạm dụng mổ u tuyến giáp mà không lường đến những hậu quả, tác hại của nó.
Bởi việc mổ giáp không chỉ gây suy giáp trạng, ảnh hưởng tới tim mạch và toàn bộ tuyến nội tiết của cơ thể, có khoảng 5-7% bệnh nhân sau mổ tuyến giáp bị thiếu canxi tạm thời, < 1% thiếu vĩnh viễn.
Tình trạng này được gọi là suy cận giáp mắc phải.
Người bị suy giáp mắc phải thường có biểu hiện: Cảm giác tê bì ở các đầu ngón tay, môi và lưỡi; Đau các cơ ở chân, tay, bụng và vùng mặt; Yếu cơ;
Co thắt thanh quản có thể gây khó thở nặng đòi hỏi phải điều trị cấp cứu; Đau bụng; Đau đầu, rụng tóc, da khô; mệt mỏi, ngất, rối loạn nhịp tim. Một số người bị trầm cảm hoặc co giật kiểu như động kinh…
Người có bướu nhân có dễ bị ung thư tuyến giáp không?
TS Bảy cho biết đại đa số những người khi phát hiện nhân (u) ở tuyến giáp thì thường nghĩ ngay đến ung thư, và dù được chẩn đoán là u lành nhưng nhiều người vẫn đòi được mổ cắt u vì sợ ung thư tuyến giáp về sau.
Trước đây các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bị ung thư tuyến giáp là khoảng 7-15% ở những người có bướu nhân tuyến giáp, nhưng nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy tỉ lệ này có xu hướng thấp hơn nhiều.
Một nghiên cứu ở Đức trên 17.592 người có u tuyến giáp > 1cm được phát hiện trên siêu âm, trong đó 7.776 người được chọc tế bào u giáp do có đặc điểm nghi ngờ trên siêu âm và 9.816 người chỉ được theo dõi bằng siêu âm.
Kết quả theo dõi trung bình là 5 năm, lâu nhất là tới 23 năm cho thấy: Có 189 người (chiếm 1,1%) được chẩn đoán ung thư tuyến giáp dựa trên kết quả chọc tế bào, không tính số bệnh nhân vi ung thư tuyến giáp (< 1 cm).
Trong đó có 155 bệnh nhân được phát hiện ung thư trong năm đầu, 25 bệnh nhân từ năm 2-5, 9 người từ năm 6-10 theo dõi. Không có ai trong số 1.165 người còn lại được theo dõi trên 10 năm bị ung thư thêm.
Như vậy, tỉ lệ ung thư tuyến giáp ở những người được theo dõi trên 5 năm giảm nhanh xuống mức dưới 1/1000 ca. Vì vậy những người mới được phát hiện u tuyến giáp không nên lo ngại và cũng không cần làm quá nhiều các xét nghiệm thăm dò hay thủ thuật không cần thiết.
Hơn nữa, nhiều hướng dẫn điều trị hiện nay khuyến cáo bệnh nhân vi ung thư tuyến giáp thể nhú (kích thước ≤ 10 mm) có thể không cần mổ. Khi đó họ cần được theo dõi sát bằng siêu âm đánh giá khối u có to lên không và có xuất hiện di căn hạch cổ không?
Không mổ theo dõi sát tốt hơn mổ ngay
Theo TS.BS Bảy, tuyến giáp là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng việc điều trị hiện nay khá lung tung và không thống nhất, đặc biệt là chỉ định mổ và điều trị hormon tuyến giáp. Vì ung thư tuyến giáp thường tiến triển rất chậm.
Ngoại trừ những trường hợp đã có di căn hạch hay nằm sát/phá vỡ bao giáp hoặc vi ung thư cả 2 thùy thì mới có chỉ định mổ, còn lại hoàn toàn có thể theo dõi sát. Ngay cả với những trường hợp ung thư tuyến giáp lớn > 1cm cũng không nhất thiết phải mổ hay can thiệp gì ngay lập tức.
TS Bảy cho biết năm 1993, bác sĩ Akira Miyauchi ở Bệnh viện Kuma Kobe, Nhật Bản bắt đầu đưa ra phương pháp theo dõi chặt mà không can thiệp (mổ ngay) các vi ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy cơ thấp. Mới đây, vị cha đẻ của phương pháp theo dõi chặt vi ung thư tuyến giáp thể nhú này có đưa ra một số kinh nghiệm và ý kiến như sau:
Bệnh nhân được đánh giá bằng siêu âm mỗi 6 tháng, và có thể là hằng năm sau đó. Một số được chụp CT cổ. U được coi là to lên khi đường kính to nhất của u tăng ≥ 3mm so với ban đầu. Nếu thấy u to lên, xuất hiện di căn hạch cổ thì bệnh nhân sẽ được mổ hoặc đốt sóng cao tần (RFA)
Theo dõi so sánh theo dõi sát với mổ: Mổ là phương pháp tốt, tỉ lệ khỏi gần như 100%. Tuy nhiên, mổ có thể có các biến chứng như tỉ lệ liệt dây thanh tạm thời và vĩnh viễn là 8,7% và 0,9%; tỉ lệ bị suy cận giáp tạm thời và vĩnh viễn là 20,8% và 1,4%.
Tổng chi phí trong 10 năm của bệnh nhân điều trị mổ ngay cao gấp 4,1 lần bệnh nhân theo dõi sát (ở Nhật). Những bệnh nhân phải mổ sau một thời gian theo dõi sát có tiên lượng và tái phát hạch cổ sau mổ tương đương nhóm mổ ngay.
Hội tuyến giáp châu Âu đã đưa ra hướng dẫn quản lý bướu nhân tuyến giáp trong thực hành lâm sàng năm 2023. Theo đó, những trường hợp có chỉ định mổ u tuyến giáp là:
– U tuyến giáp có triệu chứng (ví dụ chèn ép, biến dạng cổ).
– U tuyến giáp đã được khẳng định là lành tính nhưng to lên và có triệu chứng.
– U tuyến giáp có tăng nồng độ Calcitonin máu (nghi ngờ ung thư tuyến giáp thể tủy – là loại ung thư rất ác tính)
– U tuyến giáp có kết quả tế bào học không xác định (không rõ ràng, thuộc Bethesda nhóm III và IV), không phù hợp để theo dõi
– U tuyến giáp có kết quả tế bào học là ung thư hoặc nghi ung thư (thuộc Bethesda nhóm V và VI)
Với những trường hợp u tuyến giáp không có chỉ định mổ, hướng dẫn của Hội Tuyến giáp châu Âu cũng ghi rõ: Không chỉ định điều trị hormon giáp (L-Thyroxin) cho các u tuyến giáp lành tính và bình giáp.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Nam giới dễ mắc bệnh tuyến giáp nào, hệ lụy ra sao? 22/11/2024
- Ngồi nhiều, làm sao để phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm? 21/11/2024
- 4 dấu hiệu ung thư quan trọng nam giới không nên bỏ qua 19/11/2024
- Tái sử dụng kết quả xét nghiệm, tại sao không? 18/11/2024
- Đi khám bệnh ‘tay không’, thấy khỏe cả người 16/11/2024
There are no comments yet