Say nắng, say nóng

Khi say nóng, cơ thể tăng nhiệt độ gây biến chứng liên quan hệ thần kinh trung ương dẫn đến rối loạn, mất kiểm soát, có thể phát triển thành say nắng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3.

Định nghĩa

Say nóng

  • Là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức cao và/hoặc do hoạt động thể lực quá mức, gây ra các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương khiến bộ phận này bị rối loạn và mất kiểm soát.
  • Tình trạng say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt).

Say nắng

  • Là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao (trên 40 độ C), thường kết hợp với mất nước.
  • Hệ quả là hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất kiểm soát, gây ra những rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn…
  • Nguyên nhân do tác động của nắng nóng hay các hoạt động thể lực quá mức.
  • Tình trạng say nắng thường đi kèm với say nóng.

Nguyên nhân

– Say nóng, say nắng xuất hiện do cơ thể mất nhiều nước (tiết mồ hôi nhiều, rối loạn điều hòa thân nhiệt khi gặp ánh nắng gay gắt chiếu vào người).

– Không uống đủ nước khi thời tiết nắng nóng.

– Không khí lưu thông kém trong nhà.

– Ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nơi ở. Nếu tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều có thể làm tăng thêm chỉ số nhiệt cơ thể lên tới 15 độ. Ngoài ra, sốc nhiệt cũng có mối liên quan với chỉ số nhiệt.

– Độ ẩm tương đối từ 60% trở lên sẽ gây cản trở sự bay hơi của mồ hôi và khả năng tự làm mát của cơ thể.

– Những yếu tố thuận lợi khác bao gồm:

  • Khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng ở trẻ em hoặc người già.
  • Tập luyện và làm việc quá lâu trong môi trường nắng nóng.
  • Mặc trang phục quá dày, không thấm nước, dễ hấp thụ nhiệt…
  • Không uống đủ lượng nước cần thiết khi ở trong môi trường quá nóng.
  • Sử dụng thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiết mồ hôi như lợi tiểu, chẹn beta, kháng histamin…
  • Mắc các bệnh lý, rối loạn nội tiết tố, béo phì…
  • Người lớn tuổi, người lao động ngoài trời… là nhóm dễ bị say nóng, say nắng nhất bởi nguy cơ say nắng cũng tăng cao khi chỉ số nhiệt tăng cao.

Biểu hiện

– Sốt từ 40 độ C trở lên.

– Thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc hành vi (như lú lẫn, kích động, nói lắp).

– Chóng mặt và choáng váng.

– Da khô, nóng hoặc tăng tiết mồ hôi.

– Buồn nôn và ói mửa.

– Da ửng đỏ.

– Mạch đập nhanh.

– Yếu cơ hoặc chuột rút.

– Thở nhanh.

– Đau đầu.

– Vô thức.

– Ngất xỉu.

– Co giật.

– Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, lờ đờ, chán ăn…

Xử trí

– Bước 1: Nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương.

– Bước 2: Trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát.

– Bước 3: Cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết.

– Bước 4: Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.

– Bước 5: Làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như xịt mát bằng nước, dùng quạt phun sương; đặt túi nước đá hoặc khăn mát lên vùng cổ, nách và bẹn; cho người say nắng uống nước mát để bù nước (nếu có thể)…

– Bước 6: Đánh giá mức độ tỉnh táo người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…).

  • Nếu nạn nhân tỉnh táo thì cho nạn nhân uống bổ sung nước, chất điện giải…
  • Nếu nạn nhân chưa tỉnh táo, tiếp tục làm mát cơ thể trong khi chờ xe cấp cứu.
  • Nếu nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động) thì thực hiện hô hấp nhân tạo.

Phòng ngừa

– Khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ.

– Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng.

– Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành khi ra ngoài.

– Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.

– Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày. Có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp.

– Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời.

  • Khuyến nghị chung uống khoảng 700 ml nước vào thời điểm hai giờ trước khi tập thể dục và cân nhắc bổ sung thêm 250 ml nước hoặc thức uống thể thao ngay trước khi tập.
  • Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, nên uống thêm 250 ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát.

– Thay đổi hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, hãy chuyển thời gian hoạt động ngoài trời vào những thời điểm mát mẻ nhất trong ngày, sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.

– Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn.

– Không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cách đơn giản và an toàn nhất để thay thế muối và các chất điện giải trong các đợt nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây.

– Trường hợp mắc bệnh động kinh, bệnh tim, thận, gan…, đang ăn kiêng hạn chế chất lỏng hoặc cơ thể có vấn đề về giữ nước, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng nước cho cơ thể.

– Hạn chế ra đường khi thời tiết nắng nóng.

– Tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

– Theo dõi màu sắc nước tiểu. Nước tiểu sẫm màu hơn là dấu hiệu của tình trạng mất nước.

– Đo cân nặng trước và sau khi hoạt động thể chất. Theo dõi trọng lượng nước đã mất có thể giúp xác định lượng nước cần uống.

Theo: vnexpress.net

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!

Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

0903 65 7276