Những dấu hiệu sức khỏe cho thấy cơ thể của bạn cần thêm sắt
Sắt là khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe hồng cầu, được tìm thấy trong hai loại protein hồng cầu là hemoglobin và myoglobin. Sắt giúp vận chuyển oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể, hỗ trợ sức khỏe mô liên kết.
Thiếu sắt có thể xảy ra nếu bạn mắc các bệnh làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể như viêm ruột hoặc bệnh celiac. Người không tiêu thụ đủ thực phẩm giàu sắt hoặc có nhu cầu sắt cao hơn do mang thai hoặc cho con bú cũng dễ bị thiếu hụt.
Do sắt có trong máu, mất máu cũng có thể gây thiếu sắt, từ kinh nguyệt nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, chấn thương hoặc chảy máu đường tiết niệu. Nhận biết sớm dấu hiệu thiếu sắt rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng như vấn đề tim mạch, biến chứng thai kỳ hoặc chậm phát triển ở trẻ em.
Cảm thấy mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt. Bạn có thể cảm thấy yếu và mệt mỏi mà không có lý do rõ ràng, ngay cả khi đã ngủ đủ. Điều này xảy ra vì thiếu sắt làm giảm hemoglobin, khiến oxy không được vận chuyển đủ đến các mô.
Thiếu sắt cũng liên quan đến rối loạn giấc ngủ như mất ngủ và hội chứng chân không yên, làm gián đoạn giấc ngủ và gia tăng cảm giác mệt mỏi. Cảm giác này kèm các triệu chứng khác có thể cho thấy bạn đang bị thiếu sắt.
Tay và chân luôn lạnh
Tay và chân luôn lạnh có thể là dấu hiệu của thiếu sắt, ngay cả khi môi trường xung quanh không lạnh. Tương tự như mệt mỏi, triệu chứng này liên quan đến vai trò của huyết sắc tố trong cơ thể.
Khi huyết sắc tố không đủ, tuần hoàn máu giảm khiến oxy không được vận chuyển hiệu quả đến các vùng xa như tay và chân. Bạn có thể cảm thấy lạnh hơn người khác, không chỉ ở tay và chân mà cả toàn thân.
Da nhợt nhạt bất thường
Bạn có thể bị thiếu sắt khi da bạn nhợt nhạt hơn bình thường. Da xanh xao là một biểu hiện của tình trạng lưu thông máu giảm, có thể xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất hồng cầu do thiếu máu.
Triệu chứng này có thể biểu hiện khác nhau tùy vào sắc tố da. Sự nhợt nhạt có thể thấy rõ hơn ở tông màu da sáng hơn, có thể nhìn thấy trên khuôn mặt. Ở những vùng da có tông màu tối hơn, có thể dễ dàng phát hiện độ nhợt nhạt bất thường ở bên trong miệng và niêm mạc mắt.
Chóng mặt hoặc choáng váng
Một triệu chứng phổ biến khác của thiếu sắt là chóng mặt hoặc cảm giác choáng váng. Điều này xảy ra vì khi cơ thể thiếu sắt, không có đủ hồng cầu để vận chuyển oxy đến não bộ và những cơ quan khác.
Cảm giác choáng váng không phải là triệu chứng đặc trưng chỉ của thiếu sắt, nó có thể báo hiệu nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Hãy xem xét liệu bạn có đang gặp triệu chứng này cùng với các dấu hiệu khác của thiếu sắt hay không.
Thường xuyên đau đầu
Khi não không nhận đủ oxy, bạn có thể bị đau đầu. Thiếu sắt cũng có thể làm mạch máu sưng lên, gây áp lực và dẫn đến đau đầu. Thiếu máu có mối liên hệ chặt chẽ giữa thiếu sắt và tình trạng đau đầu hằng ngày mãn tính. Ngoài ra, đau nửa đầu cũng thường gặp ở những người bị thiếu sắt.
Tóc và móng tay yếu hoặc dễ gãy
Móng tay giòn có thể là dấu hiệu của thiếu sắt. Khi tình trạng thiếu sắt tiến triển, bạn có thể mắc chứng móng thìa (koilonychia), khi móng cong vào trong và có gờ nổi, giống như cái thìa. Khoảng 5% người bị thiếu sắt gặp phải tình trạng này, do bất thường trong lưu lượng máu đến móng tay và áp lực cơ học làm phần ngoài móng phát triển ngược lên.
Thiếu sắt cũng có thể gây mỏng tóc và rụng tóc vì thiếu dinh dưỡng và lưu lượng máu cần thiết cho tóc phát triển. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc.
Cách kiểm tra xem có thiếu sắt?
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của thiếu sắt, hãy cân nhắc liên hệ với bác sĩ. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ nếu thấy có máu hoặc phân đen giống nhựa đường.
Bác sĩ có thể kiểm tra thiếu sắt qua xét nghiệm máu, bao gồm công thức máu toàn phần (CBC) và số lượng hồng cầu lưới. Ngoài ra, xét nghiệm mức sắt huyết thanh, khả năng gắn sắt toàn phần, và ferritin huyết thanh cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán thiếu sắt.
Mẹo để bổ sung sắt
Để ngăn ngừa hoặc kiểm soát thiếu sắt, hãy bắt đầu bằng cách ăn các thực phẩm giàu sắt như đậu, trái cây khô, trứng, thịt đỏ nạc, cá hồi, ngũ cốc tăng cường sắt, đậu Hà Lan, đậu phụ và rau lá xanh đậm.
Kết hợp những thực phẩm này với nguồn vitamin C (như cam, cà chua, dâu tây) sẽ giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, đặc biệt từ nguồn thực vật. Nếu bị thiếu sắt hoặc có nguy cơ, việc bổ sung sắt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp duy trì mức sắt cần thiết cho cơ thể.
Bác sĩ của bạn có thể xác định liều lượng bổ sung sắt phù hợp dựa trên mức độ sắt hiện tại và các tình trạng sức khỏe. Việc phục hồi mức sắt bình thường có thể mất 3-6 tháng bổ sung.
Bổ sung sắt có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, hoặc táo bón. Nếu gặp phải, bác sĩ có thể đề xuất dùng kèm thức ăn hoặc giảm liều.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần tiêm sắt tĩnh mạch hoặc truyền máu. Nếu thiếu sắt do chảy máu nội bộ hoặc bệnh thận, phẫu thuật hoặc thuốc có thể cần thiết để giải quyết nguyên nhân.
Theo: tuoitre.vn
Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.
Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!
Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!
Tin khác đã đăng
- Năm mới, nghĩ cách cho 365 ngày sống khỏe 06/01/2025
- THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN 2025 04/01/2025
- Ung thư tuyến giáp di căn có biểu hiện như thế nào? 03/01/2025
- Những dấu hiệu nhiễm độc gan 02/01/2025
- Đầy bụng, ợ chua cảnh giác với viêm hang vị dạ dày 30/12/2024
There are no comments yet