Làm gì khi xét nghiệm máu cho dấu ấn chỉ điểm ung thư tăng cao?

Nhiều người lo lắng, hoảng sợ và không có phương hướng giải quyết khi chỉ số xét nghiệm chỉ điểm ung thư tăng cao. Vậy phải làm gì để phát hiện ung thư và đưa chỉ số về giới hạn cho phép?

Xét nghiệm máu tìm dấu ấn chỉ điểm khối u - Ảnh minh họa
Xét nghiệm máu tìm dấu ấn chỉ điểm khối u – Ảnh minh họa

Sự thật về xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm khối u

Ung thư nếu không được chẩn đoán sớm sẽ gây ra tỉ lệ tử vong rất cao, thậm chí các phương pháp điều trị hiện nay như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… nếu được tiến hành ở giai đoạn muộn cũng giảm hiệu quả đáng kể. Việc chủ động sàng lọc, tầm soát ung thư ở giai đoạn sớm rất cần thiết và đặc biệt quan trọng.

Nhiều người cho rằng các xét nghiệm máu có thể tầm soát được ung thư nên thay thế tầm soát ung thư cơ bản. Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết chất chỉ điểm ung thư (tumor markers) tạo thành bởi các tế bào ung thư hoặc phản ứng của cơ thể, đáp ứng trước sự hiện diện của khối u. 

Các chất chỉ điểm ung thư ngày càng được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng và chứng minh được vai trò thực sự trong góp phần chẩn đoán bệnh, theo dõi đáp ứng điều trị và chẩn đoán ung thư tái phát.

Các trường hợp ung thư lần đầu đa phần sẽ được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng xuất hiện, hoặc nhờ sự kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm chỉ dấu ung thư.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về chỉ dấu ung thư, không một xét nghiệm máu nào cho kết quả chắc chắn 100% trong tầm soát ung thư để phát hiện bệnh sớm, do một số tình trạng bệnh lý lành tính hoặc trên một số người bình thường cũng có thể xuất hiện nồng độ chất chỉ điểm ung thư cao hơn mức bình thường.

Theo bác sĩ Trần Đức Cảnh – Bệnh viện K, dựa vào kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư là hoàn toàn sai lầm. Bởi chất chỉ điểm khối u là những protein được sản xuất và giải phóng vào máu bởi các tế bào ung thư, hoặc tế bào lành của cơ thể để phản ứng với sự hiện diện của các tế bào ung thư, hay tình trạng bệnh lý lành tính khác không phải ung thư. 

Những chất này có thể được tìm thấy trong máu, nước tiểu, mô.

Các chất chỉ điểm khối u không đặc hiệu trong các bệnh lý ung thư. Do vậy sự hiện diện của chúng không đủ để chẩn đoán ung thư. Các chất chỉ điểm khối u có thể tăng cao ở trong những bệnh lý không ung thư hoặc trong trường hợp viêm nhiễm. 

Đặc biệt, tumor marker không tăng cao kể cả khi bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn. Do vậy xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm khối u không được khuyến cáo để làm phương pháp tầm soát sớm bệnh ung thư.

Nhiều người cho rằng nồng độ CA 72-4 trong máu cao hơn mức bình thường chắc chắn là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Trong khi thực tế chỉ số CA 72-4 có thể tăng cả trong một số bệnh lành tính như viêm tụy (3%), xơ gan (4%), bệnh phổi (17-19%), bệnh khớp (21%), bệnh phần phụ (0-10%), bệnh buồng trứng lành tính (3-4%), kén buồng trứng (25%), bệnh tuyến vú (10%), các bệnh đường tiêu hóa lành tính (5%).

Độ đặc hiệu của CA 72-4 là 60% có nghĩa 100 người mắc ung thư dạ dày thì chỉ có 60 người có nồng độ CA 72-4 tăng trong máu. Do đó, chỉ dựa vào một chỉ số CA 72-4 tăng cao hơn so với giá trị bình thường thì chưa khẳng định được là đã bị ung thư dạ dày, nhưng cần kiểm tra sâu hơn để loại trừ bệnh ác tính đó.

CEA là protein trên bề mặt tế bào, chỉ điểm cho ung thư đại trực tràng, dạ dày ruột, phổi và vú. CEA còn tăng ở người nghiện thuốc lá, xơ gan, polyp trực tràng, viêm loét trực tràng, bệnh tuyến vú lành tính. Không dùng CEA cho sàng lọc ung thư. Ngược lại, một người ung thư dạ dày nhưng không nhất định phải có CEA tăng.

CA 19.9 là dấu ấn của ung thư biểu mô đại trực tràng và tụy. Tuy nhiên nó cũng có thể tăng ở bệnh nhân ung thư gan mật, dạ dày, tế bào gan và nhiều bệnh lành tính như viêm tụy, bệnh dạ dày ruột.

Nội soi chẩn đoán ung thư dạ dày - Ảnh: BSCC
Nội soi chẩn đoán ung thư dạ dày – Ảnh: BSCC

Cách phát hiện ung thư và đưa chỉ số dấu ấn ung thư về bình thường

Hiện nhiều người lo lắng vì xét nghiệm thấy chỉ số tăng cao. Theo bác sĩ Tuấn, chỉ dấu ung thư tăng cao cũng có thể xuất hiện trong một số bệnh lý lành tính. Chẳng hạn, AFP tăng trong ung thư gan nguyên phát và viêm gan, nhưng cũng tăng cao ở phụ nữ mang thai. 

CEA tăng cao nếu bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng, nhưng cũng tăng ở mức vừa phải nếu bệnh nhân bị viêm loét ruột, polyp đại tràng, mắc bệnh COPD, xơ gan, người hút nhiều thuốc lá.

Xét nghiệm CA 12-5 được dùng để tầm soát ung thư buồng trứng, nhưng sẽ có xu hướng tăng cao trong một số trạng thái lành tính khác của phụ nữ (u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm phần phụ…).

Tuy nhiên, thường khi tế bào ung thư phát triển và lây lan ra xung quanh sẽ sản sinh ra một số chất có trong máu. Do đó, khi xét nghiệm máu mà thấy các chỉ số này tăng thì có khả năng bệnh nhân đã mắc phải ung thư. 

Trong trường hợp xét nghiệm lần đầu, nếu chỉ số xét nghiệm marker ung thư nằm trong khoảng tham chiếu sinh học, có khả năng cao người bệnh không xuất hiện khối u ác tính.

Nếu chỉ số xét nghiệm marker ung thư tăng trên giới hạn bình thường và tăng liên tục (trên 25%) ở các lần xét nghiệm tiếp theo thì có thể nghĩ đến trường hợp có khối u ác tính vì chúng có thể phản ánh sự phát triển của khối ung thư. 

Nếu chỉ số xét nghiệm marker ung thư không thay đổi hoặc có xu hướng giảm trong những lần xét nghiệm tiếp theo có thể kết luận người bệnh không xuất hiện khối u ác tính.

Để có một chẩn đoán ung thư chính xác thì vẫn phải dựa vào sinh thiết khối u, kết hợp thăm khám lâm sàng, chất chỉ điểm ung thư với các phương pháp chẩn đoán y khoa khác (nội soi, chụp CT scan, chụp X-quang, chụp PET).

“Như vậy, việc thực hiện maker ung thư để tìm chất chỉ điểm ung thư sẽ được sử dụng nhiều nhất để theo dõi điều trị ung thư, hoặc chỉ định tầm soát sàng lọc đối với những đối tượng bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao. 

Riêng đối với những người đang khỏe mạnh thì việc chỉ định các xét nghiệm này cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.

Để việc tầm soát ung thư đạt hiệu quả cao nhất, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về những dấu hiệu khác thường, thói quen sinh hoạt, tiền sử bệnh cá nhân và người thân trong gia đình. Từ đó các bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm cần thiết phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của bệnh nhân” – bác sĩ Tuấn khuyên.

Lời khuyên cho bệnh nhân để điều chỉnh lại chỉ số marker ung thư:

– Tăng cường rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao.

– Bổ sung thêm nước cho cơ thể (2-3 lít/ ngày).

– Hạn chế hút thuốc lá, uống cà phê, rượu bia.

– Hạn chế tiêu thụ các sản phẩm lên men (cà muối, dưa muối chua, măng chua…).

– Nên ngủ đủ giấc để đủ năng lượng cho cơ thể.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!

Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

0903 65 7276