Người phụ nữ 20 năm chiến đấu với ung thư máu, học đại học ở tuổi 43

Gần 20 năm trước đây, khi còn là cô gái 25 tuổi tràn đầy sức sống, chị Hoàng Thị Kiều tưởng chừng phải khép lại những ước mơ, hoài bão khi mang trong mình căn bệnh ung thư máu mãn tính.

Chị Hoàng Thị Kiều kiểm tra sức khỏe tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương - Ảnh: BVCC
Chị Hoàng Thị Kiều kiểm tra sức khỏe tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương – Ảnh: BVCC

Thế nhưng, sau gần 20 năm, nhờ được điều trị nhắm đích, chị Kiều không những sống khỏe mạnh mà còn có thể theo đuổi ước mơ khởi nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp đại học ở độ tuổi ngoài 40.

Cú sốc tuổi 25 và hành trình đầy can đảm

Cách đây gần 20 năm, chị Hoàng Thị Kiều (trú tỉnh Thái Nguyên) đang là sinh viên năm cuối trường văn thư lưu trữ.

Bỗng một ngày, chị thấy cơ thể dần thay đổi, cảm giác đau đầu và mệt mỏi ngày càng nhiều hơn. Chị đi khám và nhận kết quả xét nghiệm với loạt chỉ số hồng cầu giảm, bạch cầu và tiểu cầu tăng cao, siêu âm phát hiện lách to.

Lúc ấy, cô gái trẻ sững sờ khi bác sĩ nói mình mắc bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, một thể bệnh ung thư máu mãn tính mà nhiều người vẫn hay gọi là bệnh “máu trắng”.

Tuy hoang mang nhưng vì không muốn bố mẹ phải lo nghĩ, chị âm thầm giấu bố mẹ vào Viện Huyết học – Truyền máu trung ương điều trị. Chị chỉ dám thông báo cho em gái và bạn thân biết. Sau gần 1 tháng nằm viện, các chỉ số xét nghiệm ổn hơn, hai chị em lại tự xoay xở, vay mượn bạn bè để chi trả viện phí.

Ngày chị ra viện cũng là ngày trường tổ chức thi tốt nghiệp. Dù sức khỏe còn yếu nhưng chị vẫn cố gắng đi thi để kịp ra trường đúng thời hạn. Sau đó, chị chủ động tìm hiểu kỹ về bệnh của mình, luôn đi khám theo đúng lịch hẹn và tuân thủ mọi tư vấn của bác sĩ.

Năm 2009, chị bắt đầu được điều trị bằng thuốc nhắm đích (Glivec) và từ năm 2016, chị chuyển sang uống thuốc nhắm đích thế hệ 2 (Tasigna).

“Khi uống thuốc nhắm đích, tôi thấy yên tâm hơn, khỏe mạnh hơn vì thuốc ít tác dụng phụ, các chỉ số như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu đều ổn định. Phương pháp nhắm đích giống như điều kỳ diệu với những người bệnh như tôi.

Năm 2020, chỉ số xét nghiệm gene bệnh BCR-ABL về “âm tính”, niềm hạnh phúc đến vỡ òa. Sau bao khó khăn, tôi cảm thấy những cố gắng của mình như được đền đáp”, chị Kiều chia sẻ.

Khởi đầu hành trình mới

Từ khi bị bệnh, chị Kiều đã muốn tìm hiểu nhiều hơn về bệnh của mình. Sau 6 năm điều trị, chị quyết định theo học ngành dược để có thêm kiến thức, hiểu biết, để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người người xung quanh.

Chị Hoàng Thị Kiều kiểm tra sức khỏe tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương - Ảnh: BVCC
Chị Hoàng Thị Kiều kiểm tra sức khỏe tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương – Ảnh: BVCC

Trải qua quá trình vừa đi học, vừa điều trị đầy gian nan, chị đã tốt nghiệp trung cấp dược và đi làm tại một công ty dược. Sau đó, chị khởi nghiệp với công việc mở nhà thuốc kinh doanh.

Không dừng lại ở đó, năm 2021, người phụ nữ đầy nghị lực ấy tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, chị tiếp tục học đại học và chuẩn bị cầm trên tay tấm bằng dược sĩ đại học.

Qua hành trình chiến đấu với bệnh tật của mình, chị Kiều hy vọng những người mang bệnh giống mình luôn vui vẻ, lạc quan, tin tưởng vào tiến bộ của y học, an tâm điều trị.

Để ung thư không còn là án tử

Hiện Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đang quản lý, theo dõi và điều trị ngoại trú cho gần 1.500 người bệnh ung thư máu mãn tính dòng bạch cầu hạt (Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt). Mỗi năm, viện tiếp nhận thêm khoảng 100 bệnh nhân mới chẩn đoán.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, cho hay từ năm 2006, viện là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thuốc nhắm đích điều trị cho người bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt.

“Bệnh ung thư máu mãn tính dòng bạch cầu hạt là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị rất hiệu quả. Trước đây, giai đoạn mãn tính của bệnh thường kéo dài 3-5 năm, rồi chuyển thành Lơ-xê-mi cấp (ung thư máu cấp tính), tiên lượng xấu, thời gian sống thêm thường không quá 1 năm.

Hiện nay, với việc ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài và điều trị nhắm đích bằng các thuốc TKI, tiên lượng người bệnh ung thư máu mãn tính dòng bạch cầu hạt được cải thiện mạnh mẽ.

Điều trị nhắm đích có thể coi là bước đột phá trong điều trị một số thể bệnh ung thư máu, thuốc nhắm đích sẽ tấn công trực tiếp và sửa chữa các đột biến di truyền nhiễm sắc thể gây bệnh, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường”, PGS.TS Thanh chia sẻ.

Theo: tuoitre.vn

Ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn danh mục khám định kỳ phù hợp dựa trên nhu cầu riêng, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe hiện tại.

Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!

Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

0903 65 7276