Thứ trưởng Bộ Y tế: Chuyển COVID-19 sang nhóm B nhưng không thể lơ là

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc chuyển COVID-19 sang nhóm B chỉ là chuyển phân loại, bản chất của vi rút sẽ không thay đổi, vẫn có thể tiếp tục biến đổi nên không thể chủ quan lơ là.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chuyển COVID-19 sang nhóm B nhưng không thể lơ là - Ảnh 1.
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế trong các hoạt động phòng chống dịch điều trị các bệnh truyền nhiễm lưu hành – Ảnh: X.M.

Sáng 23-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Cần có chính sách quy định việc đặt hàng và sử dụng thuốc hiếm

Qua báo cáo tình hình thực tế tại địa phương, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo cho các tỉnh thành tăng cường năng lực điều trị thông qua các buổi chỉ đạo tuyến và có chính sách hỗ trợ công tác này.

Bởi ông Châu cho rằng chi phí chỉ đạo tuyến chưa được tính vào giá thành của dịch vụ khám chữa bệnh khiến các bệnh viện tuyến cuối (các đơn vị tự chủ tài chính) gặp nhiều khó khăn khi phải sử dụng nguồn kinh phí của bệnh viện mình.

Nêu bức tranh chung về việc khan hiếm nguồn cung ứng các chế phẩm của huyết tương trên thế giới, ông Châu kiến nghị bộ có chính sách, chiến lược quốc gia nhằm ổn định nguồn cung tại Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân một số tỉnh thành không dự trù các loại thuốc quý hiếm, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng hiện nay hầu như tất cả bệnh viện đều tự chủ tài chính. Khi muốn đặt hàng các loại thuốc phải đặt trước sáu tháng đến một năm nhưng việc tiên đoán các loại dịch bệnh để có thể đặt hàng dự trù thật sự rất khó với các bệnh viện. Không chỉ vậy, thời hạn sử dụng của các loại thuốc cũng rất ngắn.

Do đó, cần đặt ra vai trò của trung tâm dự trữ thuốc hiếm trong khu vực cũng như Bộ Y tế cần có những chính sách, phương án quy định cho việc đặt hàng và sử dụng thuốc.

Kiến nghị bộ có chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế

Bên cạnh vấn đề về trang thiết bị, vật tư, Sở Y tế TP cũng nhìn nhận vấn đề nhân lực là vô cùng quan trọng. Sở này đã kiến nghị bộ có chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế trong các hoạt động phòng chống dịch, điều trị các bệnh truyền nhiễm lưu hành. 

Dù là bệnh lưu hành trong năm nhưng tay chân miệng hay sốt xuất huyết khi đến những đợt bùng phát quy mô sẽ như là một trận dịch, nên việc hình thành chính sách động viên hỗ trợ nhân lực trong công tác này là điều cần thiết.

Nói về vấn đề sốt xuất huyết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng ngoài đối tượng trẻ em, người lớn cũng có nguy cơ nhiễm và lây lan bệnh cao bởi sự lơ là bỏ qua trong khi mật độ giao lưu qua lại rất lớn. 

Song song với lực lượng chủ lực từ y tế công lập, cần nâng cao năng lực của các phòng khám tư nhân trong việc phát hiện bệnh, chuyển tuyến và điều trị kịp thời; tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ điều trị từ xa, trực tuyến cho các đơn vị tuyến dưới.

Theo bà Hương, hiện nay bộ đang triển khai xây dựng các trung tâm dự trữ thuốc hiếm ở các vùng miền để hỗ trợ các địa phương. Dù vậy, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng nhu cầu dự trữ và liên hệ với các nhà cung cấp. Trong trường hợp không thể liên hệ được hoặc khan hiếm nguồn cung, cần có báo cáo với Cục Quản lý dược để có thể hỗ trợ kịp thời.

Về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành quyết định chuyển từ nhóm A sang nhóm B. 

“Chúng tôi cũng đang chờ chỉ đạo để có thể thực hiện sớm vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Khi chuyển COVID-19 sang nhóm B thì việc tiêm vắc xin sẽ lồng ghép vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyển phân loại, còn bản chất của COVID sẽ không thay đổi, vẫn có thể tiếp tục biến đổi và có các biến chủng mới xuất hiện nên chúng ta không chủ quan lơ là”, bà Hương nhấn mạnh.

Diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM

Tính từ ngày 1-1 đến ngày 20-6-2023, toàn TP có 5.108 ca COVID-19, trong đó có 214 ca bệnh nặng. 11 ca tử vong (5 ca của TP.HCM), tất cả các trường hợp tử vong đều là người có bệnh nền.

Giữa tháng 4, ghi nhận sự xuất hiện của một số biến thể phụ mới, cùng với đó là sự gia tăng số ca bệnh hằng ngày. Từ đầu tháng 5 đến nay, số ca bệnh giảm nhanh chóng.

Với sốt xuất huyết, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 8.091 ca, thấp hơn 46,2% so với cùng kỳ năm 2022 (15.043 ca) và thấp hơn 33,7% so với số mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2018 – 2022 (12.201 ca); chưa ghi nhận ca tử vong tại thành phố.

Riêng về tay chân miệng, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 2.933 ca, thấp hơn 53,2% so với cùng kỳ năm 2022 (6.268 ca) và thấp hơn 45,1% so với số mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2018 – 2022 (5.340 ca); chưa ghi nhận ca tử vong trên địa bàn TP. Dự kiến số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới.

Theo: tuoitre.vn

Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!

Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

0903 65 7276