TP.HCM đã xác định tác nhân chính gây đợt bùng phát đau mắt đỏ

Ngày 15-9, TP.HCM đã xác định tác nhân chính gây ra trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TP chủ yếu là do Coxsackievirus A24, ngoài ra còn do human Adenovirus 54 và 37.

Kỹ thuật viên xét nghiệm thuộc đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) thực hiện các xét nghiệm, giải mã gene tìm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Kỹ thuật viên xét nghiệm thuộc đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) thực hiện các xét nghiệm, giải mã gene tìm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM – Ảnh: XUÂN MAI

Chiều 15-9, Sở Y tế TP.HCM thông báo kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm có tải lượng vi rút phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 (86%), human Adenovirus 54 (11%) và human Adenovirus 37 (3%) là những tác nhân gây ra đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP.HCM.

Cụ thể, tất cả sáu mẫu dương tính enterovirus đều cho kết quả là Coxsackievirus A24. Trong số năm mẫu dương tính với adenovirus, phát hiện bốn mẫu là human Adenovirus 54 (hAdV-54) và một mẫu là human Adenovirus 37 (hAdV-37).

Như vậy, tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM chủ yếu là do Coxsackievirus A24, ngoài ra còn do human Adenovirus 54 và 37.

Theo số liệu từ các nghiên cứu trước đây, các adenovirus (bao gồm hAdV-1, hAdV-2, hAdV-3, hAdV-4, hAdV-7, hAdV-8, hAdV- hAdV-19, hAdV-22, hAdV-37 và hAdV-54) cũng như Coxsackie A24 và Entero 70 (thuộc nhóm enterovirus) là các biến thể được phát hiện ở các trường hợp gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên thế giới.

Riêng năm 2020, Bệnh viện Mắt trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội trong giai đoạn 2017 – 2019 thuộc nhóm adenovirus (hAdV-3, hAdV-4, hAdV-8 và hAdV-37) (J Med Virol, 2020).

Theo Sở Y tế TP.HCM, viêm kết mạc xuất huyết là biểu hiện chủ yếu trong đợt dịch mắt đỏ hiện nay tại thành phố - Ảnh: XUÂN MAI
Theo Sở Y tế TP.HCM, viêm kết mạc xuất huyết là biểu hiện chủ yếu trong đợt dịch mắt đỏ hiện nay tại thành phố – Ảnh: XUÂN MAI

Biểu hiện chủ yếu là viêm kết mạc xuất huyết

Sở Y tế TP.HCM cho biết viêm kết mạc xuất huyết (acute haemorrhagic conjunctivitis – AHC) là biểu hiện chủ yếu trong đợt dịch mắt đỏ hiện nay tại TP. Theo các báo cáo khoa học trên thế giới, tác nhân chính là nhóm enterovirus, trong đó bao gồm biến thể Coxsackie A24 và EV70.

Được biết, trong quá khứ, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó ghi nhận dịch viêm kết mạc xuất huyết đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch ở các nước khác.

Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa (Nhật Bản) năm 2011, biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% có viêm kết mạc chấm nông và 7,8% có nổi hạch sau tai (Clinical Ophthalmology, 9:, 1085-1092).

“Như vậy nguyên nhân của đợt bùng phát bệnh viêm kết mạc mắt hiện nay tại TP.HCM đã rõ. Một lần nữa các chuyên gia mắt khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid”, Sở Y tế TP.HCM kết luận và khuyến cáo.

Hơn 3.800 ca đau mắt đỏ trong một ngày

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM chiều 14-9, ông Nguyễn Hải Nam – phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP tăng cao so với các năm gần đây.

Thống kê cho thấy tổng số ca đau mắt đỏ tại TP ghi nhận trong ngày 13-9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12-9 (ca có địa chỉ tại TP chiếm 86,9%); trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12-9).

Phòng ngừa đau mắt đỏ ra sao?

Theo Sở Y tế TP.HCM, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút là:

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

– Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Dùng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

– Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

– Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Lưu ý, chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định, thường 5-7 ngày.

Theo: tuoitre

Olympus Gia Mỹ là một trong những địa chỉ khám sức khỏe – tầm soát bệnh chất lượng cao với mức chi phí hợp lý dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Hãy liên hệ Phòng khám để được các bác sĩ thiết kế gói khám phù hợp với nhu cầu của Quý khách hoặc xem thêm ở đây!

Liên hệ: 0903 65 7276 để được tư vấn chi tiết!

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

0903 65 7276